Khả năng bị trầm cảm của những người mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với người bình thường.

Bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ bị trầm cảm

Người mắc các bệnh tim mạch như suy tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... có khả năng bị trầm cảm cao hơn so với những người khỏe mạnh. Bởi tình trạng mệt mỏi kéo dài, hoặc thường xuyên chịu đựng những cơn đau tim khiến người bệnh giảm tham gia các hoạt động, đồng thời nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, chán nản, thất vọng... dần dần dẫn đến trầm cảm.

Theo các số liệu thống kê cho thấy, nguy cơ mắc trầm cảm sau nhồi máu cơ tim cao gấp 3-3.5 lần và ở bệnh nhân suy tim cao gấp 4-5 lần so với người bình thường; tỷ lệ trầm cảm trên bệnh nhân suy tim khoảng từ 35-38%.

Ảnh hưởng của chứng trầm cảm trên bệnh tim mạch

Đối với những người không có bệnh tim, khi bị trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ của một cơn đau tim và phát triển bệnh mạch vành. Những thói quen của lối sống tiêu cực ở bệnh nhân trầm cảm như hút thuốc, uống rượu quá nhiều, ăn uống thất thường, ít vận động và thiếu sự hỗ trợ xã hội sẽ đóng góp vào sự tiến triển của bệnh tim. Căng thẳng nhiều có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp, tổn thương động mạch, nhịp tim bất thường và suy yếu hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, bệnh nhân trầm cảm cũng đã được chứng minh có sự gia tăng phản ứng tiểu cầu và tăng các dấu hiệu tiền viêm (như protein C hoặc CRP), tất cả đều là những yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.

Người mắc các bệnh tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn
Người mắc các bệnh tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn

Đối với những người có bệnh tim, trầm cảm có thể tác động làm gia tăng những biến cố nguy hiểm cho bệnh nhân; khiến người bệnh giảm khả năng vận động thể chất và tuân thủ thuốc điều trị, làm bệnh tiến triển nặng thêm.

Một phân tích gộp từ 22 nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân lên tới 2-2.6 lần so với nhóm không trầm cảm. Ở bệnh nhân suy tim, trầm cảm gắn liền với tình trạng sức khỏe kém, tần suất nhập viện và tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh nhân đã phẫu thuật bệnh tim kèm theo bệnh trầm cảm, không được điều trị sau khi phẫu thuật cũng làm tăng tỷ lệ tái phát bệnh và tử vong. Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật tim, trầm cảm cũng có thể làm tăng cảm giác đau đớn, mệt mỏi, trì trệ, hoặc khiến một người tự ti, chán nản và cô lập với xã hội.
Trầm cảm đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã khuyến cáo rằng tất cả các bệnh nhân tim mạch nên được kiểm tra bệnh trầm cảm bằng cách sử dụng các câu hỏi sàng lọc đơn giản, để giúp quản lý bệnh tốt nhất.

Triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch

Bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật tim, nhồi máu cơ tim, hoặc các bệnh tim khác thường mang tâm trạng buồn, chán nản trong vài tuần đầu tiên. Sau đó nếu không nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của người thân, bệnh nhân sẽ có những suy nghĩ tiêu cực. Khi không được điều trị kịp thời, tình trạng của bệnh nhân có thể trở nên tồi tệ hơn. Những biểu hiện trầm cảm của bệnh nhân tim mạch bao gồm:
- Cảm giác bồn chồn, lo lắng, buồn chán, vô vọng, bất lực, mất hy vọng vào cuộc sống.
- Mất hứng thú trong các hoạt động hoặc những sở thích thông thường, bao gồm cả quan hệ tình dục.
- Khó tập trung, ghi nhớ chi tiết, hoặc đưa ra quyết định.
- Khó ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, hoặc ngủ tất cả các thời gian.
- Không còn quan tâm đến bản thân, không muốn điều trị bệnh.
- Bệnh nhân có suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự tử.

Phương pháp điều trị trầm cảm ở người bệnh tim mạch

Phát hiện sớm và điều trị trầm cảm ở những bệnh nhân tim mạch là rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Một phương pháp điều trị an toàn sẽ giúp bệnh nhân đối phó với trầm cảm và quản lý bệnh tim mạch hiệu quả. Về cơ bản việc điều trị cần kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và lựa chọn sử dụng thuốc trầm cảm cho bệnh nhân tim mạch.
- Liệu pháp tâm lý: Là một dạng của tâm lý trị liệu, bằng cách nói chuyện, chia sẻ, động viên giúp bệnh nhân thay đổi phong cách tư duy và lối sống tiêu cực. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ và tham gia của gia đình, bạn bè là rất quan trọng.
- Sử dụng thuốc: các nhóm thuốc được lựa chọn để điều trị trầm cảm cho bệnh nhân tim mạch bao gồm:
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Citalopram (Celexa), Sertraline (Zoloft), Fluoxetine (Prozac).
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta).
Các phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay có hiệu quả tốt và tương đối an toàn với tất cả người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với cùng một phương pháp, nên hãy thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và các tác dụng phụ của thuốc, để có thể thay đổi hoặc điều chỉnh kịp thời nhằm giảm thiểu tác dụng phụ và đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi và duy trì một lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hay một vài kỹ thuật giúp thư giãn và giảm căng thẳng để có thể quản lý trầm cảm và bệnh tim một cách hiệu quả nhất.

Vũ .H. Thắm

Trích nguồn:
http://www.nimh.nih.gov
http://my.clevelandclinic.org

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận