Kháng insulin đang trở thành một vấn đề sức khỏe phổ biến hàng đầu hiện nay trên thế giới. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khoảng 15 - 30% người bệnh bị kháng insulin sẽ tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 trong vòng 2 - 5 năm. Không chỉ vậy, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ xuất hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy, kháng insulin là gì, nguyên nhân do đâu, làm sao để nhận biết và khắc phục, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Insulin là gì? Insulin đóng vai trò gì trong cơ thể?

Insulin là một hormon do tuyến tụy - cơ quan nằm phía sau dạ dày sản xuất. Vai trò của insulin luôn gắn liền với glucose - sản phẩm của quá trình tiêu hóa chất bột, đường (carbonhydrat). Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của tế bào.

Sau khi ăn chất bột, đường, glucose được hấp thu vào máu với số lượng lớn làm tăng đường huyết. Bằng cách tác động đến quá trình dự trữ và sử dụng glucose trong các tế bào, trong đó chủ yếu là tế bào gan, cơ và mô mỡ, insulin là hormon duy nhất giúp hạ đường huyết của cơ thể. Bên cạnh đó, insulin còn đóng vai trò trong việc giúp cơ thể phân bố và dự trữ chất béo (mỡ) đúng cách.

Khi nào cơ thể bị đề kháng insulin?

Kháng insulin là tình trạng bệnh lý, trong đó tế bào không đáp ứng tốt với insulin.

Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng rằng nếu tế bào giống như một nhà máy, thì glucose chính là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng để nhà máy đó hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu này muốn vận chuyển vào được bên trong thì cần có chìa khóa “insulin” để mở cửa của nhà máy. Glucose từ máu đi vào bên trong tế bào sẽ giúp hạ đường huyết. Kháng insulin là khi những “ổ khóa” hoặc “chìa khóa insulin” đã bị rỉ sét khiến cho rất khó khăn khi mở cánh cửa nhà máy để glucose có thể đi vào bên trong.

Insulin như “chiếc chìa khóa” mở cánh cửa tế bào để glucose đi vào bên trong

Tế bào thiếu năng lượng để hoạt động trong khi glucose trong máu lại dự thừa, lúc này tuyến tụy sẽ cố gắng để khắc phục bằng cách tăng sản xuất những chiếc “chìa khóa insulin” mới nhằm mở cách cửa tế bào nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo thời gian, tình trạng kháng insulin nặng dần lên trong khi khả năng bù đắp bằng việc tăng sản xuất insulin lại chỉ có giới hạn. Hệ quả là đường huyết bắt đầu tăng, kéo theo các rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa chất béo, rối loạn chuyển hóa chất đạm là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Kháng insulin nguy hiểm như thế nào?

Kháng insulin được đánh giá là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bởi nó làm tăng cao nguy cơ phát triển nhiều bệnh nguy hiểm bao gồm:

- Bệnh tiểu đường tuýp 2 (nguy cơ cao nhất)

- Bệnh tim mạch: Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

- Gan nhiễm mỡ

- Hội chứng buồng chứng đa nang

- Một số bệnh ung thư

Riêng đối với những người đã mắc các bệnh lý kể trên thì tình trạng kháng insulin là nguyên nhân khiến cho bệnh ngày một nặng lên. Chẳng hạn như đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2, kháng insulin là nguyên nhân chính làm cho đường huyết tăng cao và khó kiểm soát hơn theo thời gian.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang gặp phải tình trạng kháng insulin

Ở nhiều người bệnh, dấu hiệu của kháng insulin là không rõ ràng, tuy nhiên một số người bệnh có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

- Hay cảm thấy đói

- Mệt mỏi thường xuyên

- Khó tập trung

- Tăng huyết áp

- Tăng cholesterol máu

- Tăng tích mỡ ở bụng

- Xuất hiện các vùng da tối màu ở các vị trí cơ thể có nhiều nếp gấp da như cổ, bẹn, nách…

Tình trạng kháng insulin càng nặng thì các triệu chứng càng rõ ràng

Xét nghiệm chẩn đoán kháng insulin

Hiện nay, tại Việt Nam để chẩn đoán xác định một người có bị kháng insulin không thì có thể thực hiện một trong các xét nghiệm sau (dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn dưới đây, người bệnh sẽ được chẩn đoán tiền tiểu đường hay bệnh tiểu đường. 

Riêng với xét nghiệm rối loạn glucose huyết lúc đói và rối loạn dung nạp glucose, nếu người bệnh không có các triệu chứng điển hình khi bị tăng đường huyết (gồm ăn nhiều, uống nhiều, sút cân nhanh, tiểu nhiều), xét nghiệm cần lặp lại 2 lần, cách nhau từ 1 - 7 ngày để chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường.

Tại Việt Nam, HbA1c chỉ được thực hiện tại các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, nên ít khi được sử dụng để làm tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây kháng insulin

Cho đến nay, nguyên nhân gây kháng insulin vẫn chưa được biết rõ tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy rằng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ khiến một người gặp phải tình trạng đề kháng insulin như:

- Tiền sử gia đình mắc tiểu đường tuýp 2

- Thừa cân, béo phì, đặc biệt là béo bụng

- Lối sống ít vận động thể chất

- Cao huyết áp

- Rối loạn lipid máu

- Thường xuyên bị căng thẳng về tâm lý

- Đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4kg

- Từng sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài (như  glucosamine, rifampicin,isoniazid, olanzapine, risperidone , progestogens , glucocorticoid , methadone…).

Giải pháp dành cho người bệnh gặp phải tình trạng kháng insulin

Giảm kháng insulin sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và một số loại bệnh khác. Đối với người bệnh đã mắc phải các bệnh lý có liên quan tới đề kháng insulin thì việc cải thiện tình trạng này cũng giúp giảm nhẹ và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.

Các nghiên cứu đã cho thấy, giảm kháng insulin ở người mắc tiểu đường tuýp 2 sẽ giúp giảm và kiềm soát đường huyết dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp hạn chế nguy cơ xuất hiện các biến chứng tiểu đường trên tim mạch.

Hiện nay thuốc metformin và nhóm thuốc thiazolidinedione (pioglitazone, rosiglitazone)là các thuốc có tác dụng giảm kháng insulin. Nhưng do tiềm ẩn nguy cơ về tác dụng phụ nên chỉ chủ yếu sử dụng cho những trường hợp kháng insulin đã tiến triền thành bệnh tiểu đường tuýp 2. Chỉnh vì vậy, giải pháp được ưu tiên áp dụng đầu tiên cho người bệnh nhằm giảm kháng insulin đó là thay đổi lối sống và luyện tập:

- Vận động thể chất đều đặn từ 30 phút tới 1 giờ mỗi ngày, một tuần duy trì ít nhất 5 ngày.

- Hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột (cơm, cháo, gạo, bánh mì…) khi sử dụng thì nên thay tế bằng - các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang…

- Tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ

- Dành nhiều thời gian cho các hoạt động thư giãn

- Nếu bạn thừa cân thì cần cố gắng giảm cân bằng một chế độ ăn hạn chế thực phẩm giàu năng lượng và cần vận động thể chất tích cực.

- Ngừng việc hút thuốc lá nếu bạn đang sử dụng

Vận động thể chất, giảm cân giúp giảm kháng insulin

Các nghiên cứu thuộc chương trình phòng chống bệnh tiểu đường của Hoa Kỳ (DPP) cho thấy, thay đổi lối sống và luyện tập có hiệu quả giảm kháng insulin cao gần gấp đôi so với dùng thuốc điều trị

Cùng với đó, thảo dược cũng là một giải pháp an toàn và đem lại hiệu quả khá cao. Trên thực tế đã có nhiều loại thảo dược được chứng minh có tác dụng giảm kháng insulin qua các nghiên cứu trên thế giới như tinh chất lá Xoài, Mướp đắng, Quế chi, Hoàng bá, lá Neem… Những thảo dược này còn được đánh giá đặc biệt tốt cho người bệnh tiểu đường bởi ngoài tác dụng giảm kháng insulin còn tác động giúp giảm, ổn định đường huyết và ngăn ngừa biến chứng theo nhiều cơ chế.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/305567.php

http://www.diabetes.co.uk/insulin-resistance.html

https://en.wikipedia.org/wiki/Prediabetes#Causes

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes/prediabetes-insulin-resistance

http://www.encyclopedia.com/medicine/diseases-and-conditions/pathology/insulin-resistance

https://www.medicalnewstoday.com/articles/305567.php

BTV Lan Anh

Glutex hỗ trợ chuyển hóa đường và cải thiện chỉ số đường huyết

Bình luận