Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cho biết: Những bệnh nhân béo phì nếu cắt túi mật sau phẫu thuật giảm cân có thể gặp phải biến chứng sau phẫu thuật cao hơn đến 35% so với những người đã cắt túi mật trước phẫu thuật giảm cân.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra dữ liệu về khoảng 79.000 bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật và gần 36.000 người béo phì đã phẫu thuật dạ dày để giảm cân. Có khoảng 2.650 người phải làm đồng thời hoặc riêng biệt cả hai loại phẫu thuật trên. Trong số những bệnh nhân phải làm cả 2 ca phẫu thuật thì những người phẫu thuật giảm cân trước phẫu thuật cắt túi mật có nguy cơ gặp biến chứng nhiều hơn 35% so với những người đã được phẫu thuật cắt bỏ túi mật trước phẫu thuật giảm cân.

Tại sao cắt túi mật sau phẫu thuật giảm cân nguy cơ biến chứng lớn hơn?

Phân tích tất cả những bệnh nhân trong nghiên cứu chỉ tiến hành một trong hai loại phẫu thuật cho thấy: tỷ lệ gặp phải biến chứng sau phẫu thuật là 2,3% với phẫu thuật cắt túi mật và khoảng 2.7% với phẫu thuật giảm cân. Nhưng ở những người làm cả 2 loại phẫu thuật có khoảng 13% trường hợp gặp biến chứng sau phẫu thuật. Đặc biệt, nếu cắt túi mật được tiến hành sau phẫu thuật giảm cân thì có khoảng 16% người gặp biến chứng so với tỷ lệ khoảng 8% bệnh nhân đã phẫu thuật cắt túi mật trước đó.

Từ kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Viktor Wanjura - Bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Orebro, Thụy Điển cho biết: "Đối với bệnh nhân béo phì và mắc sỏi mật có triệu chứng thì nên làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật trước phẫu thuật dạ dày - ruột.” Tuy nhiên, nếu sỏi mật không gây triệu chứng thì không nên điều trị bằng phẫu thuật, bởi nếu làm như vậy sẽ gây ra những biến chứng không cần thiết cho nhiều người bệnh mà có lẽ sẽ không bao giờ gặp phải biến chứng do sỏi mật gây ra.

 Cắt túi mật sau phẫu thuật giảm cân dễ có nguy cơ mắc biến chứng

Cắt túi mật sau phẫu thuật giảm cân dễ có nguy cơ mắc biến chứng

Phẫu thuật cắt một phần dạ dày là một trong những loại phẫu thuật giảm cân phổ biến nhất nhằm làm giảm kích thước của dạ dày và ruột để giúp hạn chế lượng thức ăn hoặc hạn chế khả năng hấp thụ một số thực phẩm mà bệnh nhân ăn. Điều này sẽ khiến cho người bệnh cảm giác nhanh no hơn, giảm lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể. Nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt về nguy cơ mắc phải biến chứng khi tiến hành phẫu thuật cắt túi mật trước hoặc sau phẫu thuật giảm cân vẫn chưa được làm rõ. Một số giả thiết cho rằng, có thể do thay đổi về sự hấp thu chất dinh dưỡng sau phẫu thuật giảm cân đã góp phần làm tăng biến chứng ở lần phẫu thuật cắt túi mật sau đó. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ nguyên nhân gây ra biến chứng.

Tiến sĩ Anita Courcoulas - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật tổng quát và xâm lấn tối thiểu - Đại học Y  Pittsburgh đánh giá: Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa giải thích được tại sao tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật lại khác nhau, nhưng kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân và cả bác sĩ để lựa chọn được trình tự thực hiện phẫu thuật hợp lý nhất.

"Tôi nghĩ rằng bệnh nhân cần phải nhận thức được rằng mặc dù phẫu thuật túi mật là một trong những phẫu thuật bụng phổ biến, nhưng có thể có những biến chứng đặc biệt ở những người béo phì, tiểu đường và một số trường hợp khác. Mỗi bệnh nhân và bác sĩ phẫu thuật cần trao đổi kỹ, cân nhắc những lợi ích và rủi ro trước khi tiến hành phẫu thuật và tốt nhất là nên cá nhân hóa điều trị.” – Tiến sĩ Courcoulas cho biết thêm.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: https://www.reuters.com/article/us-obesity-gallstones/timing-matters-when-patients-need-gallstone-and-weight-loss-surgeries-idUSKBN1DF2W8

Bình luận