Tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians - ACP) đã công bố hướng dẫn lựa chọn mục tiêu điều trị cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, điển hình là 4 lưu ý về chỉ số HbA1c. Đây là sự tổng kết các khuyến cáo của những tổ chức y tế uy tín trên thế giới.

Lưu ý 1: Cá nhân hóa mục tiêu HbA1c cho mỗi người bệnh tiểu đường tuýp 2

Tất cả các hướng dẫn điều trị, bao gồm hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2018, đều đồng thuận: bác sĩ cần đặt ra mục tiêu HbA1c riêng cho mỗi người bệnh dựa trên các yếu tố cá nhân như:

  • - Lợi ích và tác hại của thuốc.
  • - Thời gian điều trị.
  • - Nguy cơ hạ đường huyết, tăng cân.
  • - Các bệnh lý mắc kèm hay thuốc khác đang dùng.
  • - Tuổi thọ.
  • - Khả năng tuân thủ điều trị.
  • - Gánh nặng kinh tế.

Lưu ý 2: Mục tiêu HbA1c nên nằm trong mức 7% đến 8% ở hầu hết các trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2.

Những thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy, việc đặt mục tiêu HbA1c dưới 7% so với mức 7 – 8 % không mang lại lợi ích vượt trội (giúp giảm tỷ lệ tử vong, bảo vệ mạch máu, thần kinh) nhưng lại làm gia tăng một số nguy cơ bất lợi như hạ đường huyết, tăng cân hay tác dụng phụ của thuốc. Do đó, Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ đề nghị, mức HbA1c chung cho tiểu đường tuýp 2 nên rơi vào khoảng 7 – 8 %. Giới hạn dưới 6,5 % chỉ nên áp dụng với các trường hợp: người bệnh mới được chẩn đoán, tuổi thọ trên 15 năm hoặc chưa có biến chứng tiểu đường.

 ACP-khuyen-cao-dat-muc-tieu-HbA1c-trong-khoang-thay-vi-mot-gia-tri-cu-the

ACP khuyến cáo đặt mục tiêu HbA1c trong khoảng thay vì một giá trị cụ thể.

Lưu ý 3: Khi HbA1c ổn định trong khoảng dưới 6,5 %, các bác sĩ nên cân nhắc “đơn giản hóa” phác đồ điều trị.

Lưu ý này được đưa ra dựa trên 2 nguyên nhân:

  • - Không có nhiều bằng chứng chứng minh, việc đặt mục tiêu HbA1c thấp sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng tiểu đường tốt hơn.
  • - Điều trị chuyên sâu nhằm đưa HbA1c xuống mức thấp hơn sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí, thậm chí là tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nếu phải nâng liều.

Bác sĩ nên cân nhắc giảm liều hoặc tạm ngưng một số thuốc hạ đường huyết trong phác đồ điều trị nếu chỉ số HbA1c của người bệnh đã ổn định trong mức dưới 6.5%.

Lưu ý 4: Bác sĩ nên lập phác đồ điều trị giảm triệu chứng do tăng đường huyết, tránh đặt mục tiêu HbA1c cụ thể với người bệnh có tuổi thọ dưới 10 năm (80 tuổi trở lên) hoặc có nhiều bệnh lý mắc kèm mãn tính (suy giảm trí nhớ, ung thư, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh phổi tắc nghẽn, suy tim sung huyết...)

Với các đối tượng nêu trên, việc đặt ra mục tiêu điều trị nghiêm ngặt không phải là cách tiếp cận tối ưu, thay vào đó, bác sĩ nên tập trung vào các giải pháp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đương nhiên, dù điều trị theo cách nào, tất cả đều cần cân bằng giữa lợi ích, tác hại và các yếu tố cá nhân của người bệnh tương tự như khi đặt mục tiêu đường huyết.

Mặc dù hướng dẫn của ACP đã đưa ra một số giới hạn HbA1c cụ thể để áp dụng trong điều trị tiểu đường tuýp 2, tuy nhiên tất cả vẫn phụ thuộc vào bản thân người bệnh. Để biết mục tiêu mà mình cần đạt được, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ trong những lần thăm khám định kỳ.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo:

http://annals.org/aim/fullarticle/2674121/hemoglobin-1c-targets-glycemic-control-pharmacologic-therapy-nonpregnant-adults-type#an_fo_ed

Bình luận