Có khá nhiều nghiên cứu chứng minh sự hình thành sỏi mật ở trẻ em khi sử dụng kháng sinh ceftriaxone điều trị nhiễm khuẩn. Và gần đây, nghiên cứu mới của nhà khoa học Iran (8/2018) một lần nữa chứng minh sự tương quan và tỷ lệ mắc sỏi mật, sỏi thận khi điều trị bằng kháng sinh ceftriaxone ở người lớn.

Ceftriaxone là một kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 có phổ hoạt động rộng và được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm khuẩn, đặc biệt khi nhiễm khuẩn nặng. Tuy được đánh giá khá an toàn nhưng một trong những tác dụng phụ thường gặp của thuốc này là hiện tượng kết tủa tạo muối canxi ceftriaxone trong túi mật ở trẻ em.

Trong cơ thể, kháng sinh ceftriaxone chủ yếu đào thải qua thận và mật xuống đường tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy kháng sinh này có thể cô đặc trong dịch mật gấp 20 - 150 lần so với trong huyết thanh, chính vì thế ceftriaxone có thể kết hợp với cation canxi trong dịch mật để tạo muối canxi ceftriaxone kết tủa. Cũng giống như sỏi mật hình thành từ cholesterol, sắc tố mật những tinh thể muối này có thể phát triển tạo thành sỏi trong túi mật, điều may mắn là loại sỏi này có thể biến mất sau một thời gian ngừng sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, trước khi biến mất thì chúng cũng có thể gây ra một số biến chứng nhất định.

Sự hình thành sỏi mật từ tinh thể muối canxi ceftriaxone là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh ceftriaxone

Sự hình thành sỏi mật từ tinh thể muối canxi ceftriaxone là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh ceftriaxone

Nghiên cứu được tiến hành ở 84 bệnh nhân, bao gồm 49 nam (58,3%) và 35 nam (47,5%), độ tuổi từ 15 - 87 nhập viện với các bệnh truyền nhiễm khác nhau tại Bệnh viện Y khoa Đại học Birjand từ năm 2011 đến 2105. Các bệnh nhân được điều trị bằng ceftriaxone với liều lượng khác nhau mà không dùng thêm kháng sinh nào khác. Để đánh giá sức khỏe của đường mật và đường tiết niệu, tất cả các bệnh nhân đã được chụp Xquang và siêu âm  trước khi điều trị. Các xét nghiệm ure, creatinin, bilirubin huyết thanh và men gan cũng được ghi lại trước và sau điều trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc sỏi mật và sỏi thận sau thời gian sử dụng ceftriaxone lần lượt là 8,8% và 1,5%. Ngoài ra, từ kết quả nghiên cứu cũng cho thấy độ tuổi của bệnh nhân có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của sỏi mật liên quan đến ceftriaxone ở người lớn. Tuy nhiên, khi so sánh các nhóm có với nhóm không có sỏi mật thì không thấy sự khác biệt đáng kể nào về giới tính của bệnh nhân, BMI, liều thuốc và thời gian điều trị bằng ceftriaxone.

Tuy còn một số hạn chế nhất định như cỡ mẫu nhỏ, nghiên cứu chỉ đánh giá dữ liệu từ một bệnh viện duy nhất nên những phát hiện có thể kém tin cậy hơn những nghiên cứu đa trung tâm khác nhưng từ kết quả nghiên cứu một lần nữa chứng minh tác dụng không mong muốn khi sử dụng kháng sinh ceftriaxone ở người bệnh.

Biên tập viên Đông Tây

Tham khảo: https://www.dovepress.com/ceftriaxone-associated-nephrolithiasis-and-gallstone-in-adults-peer-reviewed-fulltext-article-DHPS

 

Bình luận