Nguyễn Duy (Lâm Đồng): Tôi bị tiểu đường type 2 nhiều năm nay, vừa rồi được bác sĩ chỉ định chuyển sang tiêm insulin. Xin cho tôi hỏi, khi sử dụng insulin có thể gặp phải những tác dụng phụ nào?

Chào bạn,

Giống như bất kỳ một loại thuốc nào khác, insulin cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn nhất định. Trong đó, có 2 tác dụng phụ phổ biến nhất đó là:

- Hạ đường huyết: Đây là một biến chứng nguy hiểm khá thường gặp khi điều trị với insulin. Nguyên nhân có thể do dùng quá liều insulin, thay đổi chế độ ăn, stress, nhiễm khuẩn hoặc rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, trong quá trình sử dụng insulin, bạn nên theo dõi đường huyết thường xuyên. Nếu nhận thấy một số dấu hiệu như mệt mỏi, run, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, choáng váng… cần ăn ngay 1 chút đồ ăn ngọt (như bánh kẹo, nước đường) để nâng đường huyết lên. Nếu hạ đường huyết nặng, cần khẩn trương nhập viện để được cấp cứu.

- Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm insulin: là một trong những biến chứng nặng hay gặp ở trẻ em và phụ nữ, gây teo tổ chức mỡ dưới da tại chỗ tiêm, có thể xuất hiện từ 1 - 6 tháng sau khi tiêm. Tại chỗ tiêm, xuất hiện một vùng da lõm xuống, nặng hơn có thể mất hoàn toàn tổ chức mỡ dưới da ở một diện tích rộng. Để phòng ngừa biến chứng này, bạn cần luân phiên thay đổi vị trí tiêm, có thể quay vòng vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ hoặc thay đổi vùng tiêm giữa bụng, mông, đùi và cánh tay.

Một số tác dụng phụ khác ít gặp hơn có thể bao gồm: dị ứng, nổi mề đay, hoặc mệt mỏi, sốt nhẹ, ngứa, đau trong khớp, rối loạn tiêu hóa…

Nhìn chung, khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào bạn cũng cần thông báo ngay với bác sĩ để có được những điều chỉnh phù hợp. Nếu gặp phản ứng dị ứng với insulin, cần phải ngừng thuốc ngay lập tức.

Chúc bạn sức khỏe!

Thân!

Bình luận