Trong cuộc cách mạng kiểm soát đường huyết cho người bệnh tiểu đường, năm 1994, sự ra đời của Metformin (Glucophage) – một thành viên của nhóm biguanide đã thay đổi hoàn toàn “cục diện” phác đồ điều trị, khi mà ở thời điểm đó chỉ có 2 loại thuốc cơ bản để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 là insulin và nhóm sulfonylurea. Vậy loại thuốc này có điểm gì ưu việt? Trong quá trình sử dụng người bệnh cần lưu ý những gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này.

Metformin kiểm soát đường huyết như thế nào?

Metformin có tác dụng hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên cách thức thực hiện của nó hiện nay vẫn chưa thực sự biết rõ, các nhà khoa học đưa ra giả thiết về khả năng tác động theo 3 con đường chính: thuốc làm tăng đáp ứng của insulin (hormon tham gia vận chuyển đường vào trong tế bào để tạo ra năng lượng) ở tế bào, kết hợp với ức chế sự ly giải glycogen thành glucose của tế bào gan và ức chế quá trình hấp thu glucose ở ruột. Chính sự phối hợp toàn diện này tạo nên sự ưu việt trong kiểm soát đường huyết của thuốc so với các nhóm thuốc khác.

Metformin mang lại lợi ích gì cho người bệnh tiểu đường tuýp 2?

Metformin không chỉ kiểm soát đường huyết trong máu mà về lâu dài còn có khả năng làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường. Bên cạnh kiểm soát đường huyết, thuốc còn có tác dụng giảm LDL - cholesterol, triglycerid và không gây tăng cân như các nhóm hạ đường huyết khác. Đây chính là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy dẫn tới các biến chứng trên tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim… gây tử vong hàng đầu ở người bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, thuốc không gây hạ đường huyết quá mức - một tai biến thường gặp ở hầu hết các loại thuốc trị tiểu đường khác trong quá trình điều trị.

Metformin-–-thuoc-chi-dinh-dau-tay-trong-dieu-tri-tieu-duong-tuyp-2

Metformin – thuốc chỉ định đầu tay trong điều trị tiểu đường tuýp 2

Những lưu ý quan trọng khi sử dụng Metformin

Bên cạnh những lợi ích mang lại, người bệnh cần có một số lưu ý để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình sử dụng:

-    Hãy sử dụng Metformin theo sự chỉ định của bác sĩ và không được tự ý thay đổi liều dùng hay thời gian sử dụng ghi trên toa.

-    Nên uống thuốc trong bữa ăn để hạn chế tối đa gặp phải tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa.

-    Nếu viên thuốc ở dạng giải phóng kéo dài, bạn tuyệt đối không được nhai hoặc bẻ viên thuốc mà hãy nuốt trọn với một lượng nước khoảng 200 ml.

-    Tai biến hạ đường huyết vẫn có thể xảy ra nếu người bệnh sử dụng thuốc ở dạng phối hợp với các nhóm khác hoặc nhịn ăn quá mức. Do đó, hãy luôn giữ bên mình kẹo ngọt, nước ép trái cây, hoặc nho khô để kịp thời bổ sung đường một cách nhanh nhất có thể.

-    Nếu lỡ quên 1 liều, hãy dùng liều đó ngay khi nhớ ra cùng với thức ăn, nhưng hãy bỏ qua liều đã quên nếu nó gần sát thời gian với liều tiếp theo để tránh nguy cơ quá liều.

-    Ngưng sử dụng Metformin ít nhất 2 – 3 ngày trước và sau khi tiến hành bất cứ loại xét nghiệm X quang, CT scan (chụp cắt lớp) có sử dụng thuốc cản quang vì có thể ảnh hưởng cấp tính tới chức năng thận.

-    Sử dụng Metformin kéo dài có thể gây thiếu vitamin B12. Do đó, trong chế độ ăn người bệnh cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin này như tôm,cá, thịt bò, trứng, sữa chua, phô mai, sò, hàu…

Bo-sung-thuc-pham-giau-vitamin-B12-khi-su-dung-Metformin

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12 khi sử dụng Metformin

-    Chú ý kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.

-    Kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm đường huyết, HbA1c, điện giải đồ, chức năng gan thận… ít nhất 6 tháng/lần để đánh giá đáp ứng của thuốc.

-    Không sử dụng Metformin nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Thận trọng khi sử dụng thuốc với đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú, người bệnh suy gan thận nặng hoặc đang trong tình trạng nhiễm toan ceton…

Tác dụng phụ khi sử dụng Metformin

Tác dụng phụ thường gặp nhất của Metformin là buồn nôn, tiêu chảy... Tuy nhiên triệu chứng này này thường nhẹ và có thể khắc phục bằng cách sử dụng thuốc ngay trong bữa ăn. Nhiễm toan lactic là một tác dụng phụ khác tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tác dụng ngoại ý này là người có bệnh gan thận, suy tim sung huyết, nhiễm trùng nặng, uống rượu nhiều. Bạn có thể nhận ra các triệu chứng sớm của nhiễm toan lactic bao gồm mệt mỏi bất thường, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau cơ bắp, khó thở… và kịp thời báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Dưới đây là một số hướng dẫn bổ ích của ThS. BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên phó trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết Trung Ương về thuốc tiểu đường Metformin. Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này, hãy bỏ ra 5 phút ngắn ngủi để biết cách dùng hạn chế tác dụng phụ:

Bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng thuốc tiểu đường Metformin hiệu quả

Tương tác cần lưu ý khi sử dụng Metformin

Với thuốc khác

Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của Metformin khi sử dụng phối hợp chằng hạn các thuốc hạ đường huyết nhóm khác, amilorid, triamteren, digoxin, quinidin, cimetidin, trimethoprim, vancomycin… Bên cạnh đó, các thuốc có xu hướng gây tăng đường huyết như corticoid (prednisone, dexamethasone), thuốc tránh thai có thành phần estrogen, phenytoin, thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh Canxi (nifedipin, amlodipin, diltiazem… lại làm giảm tác dụng của Metformin.

Do đó, để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tương tác bất lợi có thể xảy ra, bạn cần báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc mà bạn đang sử dụng, chỉ định giảm liều hoặc thay thế thuốc có thể được tiến hành để hạn chế tương tác bất lợi xảy ra.

Với thức ăn

Đáng chú ý nhất là tương tác giữa Metformin với rượu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm toan lactic. Do đó, khi sử dụng thuốc này người bệnh tuyệt đối không được uống rượu để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Kể từ khi Metformin được chỉ định cùng với các nhóm thuốc tiểu đường khác, bạn có thể tìm thấy trên thị trường một số dạng phối hợp 2 loại thuốc trong một viên duy nhất, chẳng hạn Glucovance (metformin + glibenclamid), Competact (metformin + pioglitazon), Janumet (metformin + sitagliptin)… Dù ở dạng bào chế nào, khi sử dụng bất cứ chế phẩm có chứa hoạt chất này bạn luôn phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ tai biến có thể xảy ra để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn khi sử dụng.

 

Tham khảo: diabetesselfmanagement, drugs, ncbi.nlm.nih, medicinenet

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận