Block tim là một dạng rối loạn nhịp tim khá phổ biến, xảy ra do bất thường trong hệ thống điện tim. Bệnh có nhiều mức độ và mỗi mức độ sẽ có cách điều trị khác nhau như: dùng thuốc hay đặt máy tạo nhịp… Dưới đây là thông tin rất hữu ích về bệnh block tim mạch và các cách điều trị mà người bệnh không nên bỏ qua.

Block tim là bệnh gì ?

Block tim

Block tim là tình trạng tim đập không đều hoặc chậm hơn bình thường do dẫn truyền xung động qua nút nhĩ - thất bị tắc nghẽn 1 phần hay toàn bộ, nên còn gọi là block nhĩ - thất.

Bình thường tim đập 60-100 nhịp/phút và co bóp nhịp nhàng để đưa máu đi khắp các cơ quan. Nhưng nếu tín hiệu điện bị trì hoãn hoặc dừng lại thì tim sẽ đập không bình thường, và nếu tín hiệu này ngừng hoàn toàn thì nhịp tim giảm chỉ còn khoảng 40 nhịp/phút.

Block nút nhĩ thất ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu từ nút xoang tới bó his

Block tim có những dạng nào?

Bệnh block tim được chia thành các nhóm chính như sau:

Block tim độ I: xung điện vẫn truyền từ nhĩ -> thất nhưng bị chậm hơn. Block độ 1 có thể gặp ở các vận động viên và 1 số loại thuốc cũng gây ra tình trạng này. Mức độ này hiếm khi gây ra triệu chứng và thường không cần điều trị.

Block tim độ II:

Type 1: tín hiệu điện truyền từ nhĩ đến thất bị trì hoãn cho đến khi tim bỏ qua 1 nhịp, một số tín hiệu không đến được tâm thất, dạng này có thể gặp khi cơ thể đang rất thoải mái hoặc khi ngủ. Triệu chứng thường gặp ở type này là chóng mặt, thậm chí có thể ngất.

Type 2: một số xung điện không đến được tâm thất, dạng này ít gặp hơn type 1 nhưng nghiêm trọng hơn. Thông thường, bác sỹ sẽ chỉ định đặt máy tạo nhịp tim để ngăn bệnh tiến triển thành độ 3. Triệu chứng của type 2 gồm có các triệu chứng ở type 1, kèm theo tức ngực, khó thở, chóng mặt khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm.

Block tim độ III: nghiêm trọng nhất

Không có xung điện nào được truyền từ nhĩ đến thất, còn được gọi là block tim hoàn toàn. Triệu chứng của block độ 3 gồm: ngất, khó thở, cực kỳ mệt mỏi, tức ngực, đánh trống ngực.

Block nhánh:

Là tình trạng dẫn truyền xung điện từ nhánh trái đến tâm thất trái hoặc nhánh phải đến tâm thất phải bị chậm lại hoặc gián đoạn.

Nguyên nhân gây block tim

Một số người bị block tim bẩm sinh, nguyên nhân có thể gặp như:

- Bệnh tự miễn: mẹ bị lupus ban đỏ, truyền 1 số protein cho con qua dây rốn, protein này là các kháng thể phá hủy 1 số mô, tế bào của đứa bé.

- Khuyết tật tim bẩm sinh

Thực tế, block tim thường gặp nhất là block thứ phát:

- Sau phẫu thuật, ảnh hưởng đến hệ thống điện tim

- Thay đổi gen

- Tổn thương do nhồi máu cơ tim, hình thành sẹo cơ tim

- Các vấn đề tim mạch như: tắc động mạch, viêm cơ tim, suy tim

- Do 1 số loại thuốc. Nếu thuốc là nguyên nhân gây block thì thay đổi liều hoặc đổi thuốc có thể giải quyết được bệnh.

Trong 1 trái tim khỏe mạnh, xung điện chạy trong cơ tim, đi từ buồng tim trên (tâm nhĩ) qua nút nhĩ thất xuống buồng tim dưới (tâm thất), sau đó đi qua bó His và chia thành 2 nhánh: nhánh phải, nhánh trái, giúp tim co bóp và đập nhịp nhàng.  Nếu dẫn truyền xung điện qua các nhánh có sự bất thường, dẫn đến tâm thất co giãn không đồng bộ, gây ra nhịp bất thường.

Block tim có nguy hiểm không?

Block tim rất nguy hiểm vì những biến chứng mà bệnh gây ra như: rung nhĩ, loạn nhịp tim, nhịp chậm xoang, nhịp tim chậm, ngừng tim, suy tuần hoàn và nặng nhất là đột tử gây tử vong trong vòng 1 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Block ở bên phải thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu ở bên trái thì rủi ro về bệnh động mạch vành, bệnh tim mạch sẽ cao hơn. Nếu bệnh nhân đã bị suy tim từ trước, hay các bệnh tim khác kèm theo block độ 3 thì có thể gây mất ý thức, thậm chí ngừng tim đột ngột. Nguy hiểm là vậy nhưng người bệnh vẫn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống rượu và tránh hút thuốc lá.

Có những cách nào điều trị block tim

Cách điều trị tùy thuộc vào mức độ bệnh

Tùy vào mức độ block tim của bạn mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

Block tim độ 1: Nếu bạn bị block tim độ 1 thì có thể không cần điều trị, nhưng vẫn cần khám và theo dõi định kỳ.

Block tim độ 2: có thể cần đặt máy tạo nhịp tim, đây là một thiết bị nhỏ được đặt dưới da vùng ngực hoặc bụng. Thiết bị này sử dụng xung điện để điều khiển tim đập bình thường.

Block tim độ 3: Một số người bị block tim bẩm sinh độ 3 không cần đặt máy tạo nhịp tim trong nhiều năm nhưng phần lớn đều cần đặt máy tạo nhịp tim trong suốt phần đời còn lại của họ để tránh đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Block nhánh: thường không có triệu chứng và không cần quá lo lắng nhưng nếu mắc kèm bệnh tim khác như tăng huyết áp chẳng hạn, thì cần phải điều trị. Nếu người bệnh bị block nhánh trái kết hợp nhồi máu cơ tim, thì liệu pháp tưới máu bằng cách dùng thuốc chống đông như streptokinase để hòa tan cục máu đông được thực hiện để phục hồi lưu lượng máu qua động mạch bị tắc, tuy nhiên các thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu vì vậy người bệnh nên xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra.

Nếu phụ nữ mang thai có bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus thì thai nhi có nguy cơ bị block tim. Trong trường hợp này, người mẹ có thể được cho dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ để giảm nguy cơ bệnh tiến triển ở đứa bé.

Một số trường hợp block tim là do thuốc, vì vậy, bạn chỉ cần thay đổi liều hoặc đổi sang thuốc khác thì bệnh cũng sẽ thuyên giảm. Phải nhớ rằng luôn luôn nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi thay đổi các loại thuốc.

Đôi khi, block tim thứ phát do bệnh lý khác gây ra có thể biến mất nếu yếu tố gây bệnh được giải quyết, ví dụ như là block tim xảy ra sau 1 cơn nhồi máu hoặc phẫu thuật, nếu quá trình phục hồi tốt thì bệnh cũng sẽ biến mất.

Đặt máy tạo nhịp tim ở dưới da vùng ngực

Người bệnh block tim làm thế nào để sống chung với máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim là thiết bị nhỏ sử dụng xung điện giúp tim đập ở tốc độ bình thường, hoạt động bằng pin.

Khi đã đặt máy, người bệnh phải chú ý: tránh tiếp xúc gần với các thiết bị điện và các thiết bị có từ trường mạnh. Những vật này có thể khiến máy hoạt động không bình thường.

Nếu đi máy bay, hãy thông báo cho người kiểm tra ở sân bay biết, vì cửa từ ở sân bay cũng làm ảnh hưởng đến máy tạo nhịp.

Một số kỹ thuật y tế có thể làm gián đoạn máy điều hòa nhịp tim, ví dụ như chụp cộng hưởng từ, sóng siêu âm dùng để tán sỏi mật qua da...

Bác sĩ có thể cần phải kiểm tra máy tạo nhịp tim của bạn vài lần trong một năm để đảm bảo máy tạo nhịp tim hoạt động tốt. Ví dụ, nếu như pin bị trơ thì máy hoạt động chậm dần, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra ngay. Bên cạnh đó, bạn cũng nên học cách tự đếm nhịp tim, nếu nhịp quá nhanh, quá chậm hay dừng đột ngột thì bạn có thể trao đổi với bác sỹ để được giải quyết.

Tránh các môn thể thao, vận động mạnh chẳng hạn như bóng đá vì có thể làm hỏng máy tạo nhịp tim. Thay vào đó, bạn nên tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, thiền sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Hy vọng các thông tin chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về block tim để từ đó có biện pháp dự phòng và điều trị sớm, nâng cao sức khỏe của bản thân.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0063066/

https://www.medicalnewstoday.com/articles/180986.php

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bundle-branch-block/symptoms-causes/syc-20370514

Ninh Tâm Vương Giúp ổn định nhịp tim, giảm hồi hộp, trống ngực, bồn chồn, lo âu

Bình luận