Để giải quyết tình trạng ứ trệ tuần hoàn trong suy tim và một số bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh gan thận, đôi khi sử dụng thuốc giãn mạch thôi chưa đủ. Trong những trường hợp phù nặng, thuốc lợi tiểu được xem như “cứu cánh” của người bệnh. Bên cạnh lợi ích mang lại, trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng bất lợi. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích để phòng tránh và đảm bảo an toàn khi sử dụng loại thuốc này.

Thuốc lợi tiểu được chỉ định trong trường hợp nào?

Thuốc lợi tiểu được chỉ định trong trường hợp cơ thể có hiện tượng dư thừa muối và nước bằng cách tác động lên thận để tăng bài tiết nước tiểu. Điều này có ý nghĩa trong điều trị một số bệnh như:

- Suy tim sung huyết: thuốc lợi tiểu giải quyết tình trạng ứ dịch trong cơ thể do khả năng bơm, hút máu của tim bị suy giảm. Nhờ đó, cải thiện các triệu chứng ho, khó thở, phù chân… ở người bệnh suy tim. Đồng thời, giảm khối lượng tuần hoàn cũng làm giảm gánh nặng cho tim, nhờ đó thuốc có tác động tích cực làm chậm tiến triển suy tim.

- Tăng huyết áp: thuốc làm giảm khối lượng tuần hoàn, nhờ đó làm giảm áp lực của dòng máu lên lòng mạch nên có tác dụng hạ áp. Thuốc có thể được phối hợp với thuốc hạ áp khác để kiểm soát huyết áp tốt hơn.

- Phù: do các nguyên nhân khác như phù phổi cấp, suy thận, suy gan, tiểu đường, tăng nhãn áp…

Thuoc-loi-tieu-duoc-dung-pho-bien-trong-dieu-tri-huyet-ap-cao
Thuốc lợi tiểu được dùng phổ biến trong điều trị huyết áp cao.

Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu

- Phụ nữ có thai và cho con bú: Không nên dùng thuốc lợi tiểu cho những đối tượng này bởi tác dụng của thuốc trên thai nhi chưa hoàn toàn được biết rõ và một số thuốc lợi tiểu có thể đi vào sữa mẹ gây mất nước ở trẻ.

- Trẻ em: cần được chỉ định với liều lượng phù hợp. Thuốc lợi tiếu giữ kali (Amiloride, Triamterene, Spironolactone) có thể gây ra thiếu hụt canxi ở trẻ.

- Người cao tuổi: cần được giám sát cẩn thận hơn bởi đây là đối tượng hay gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc.

- Người mắc bệnh suy gan, thận: cần được kiểm tra chặt chẽ chức năng gan, thận và hiệu chỉnh liều theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.

Các nhóm thuốc lợi tiểu thường gặp

Dựa vào cơ chế tác động mà người ta chia thuốc lợi tiểu thành 3 nhóm chính. Tùy theo lợi thế của mỗi nhóm mà bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định trong những trường hợp khác nhau:

Thuốc lợi tiểu Thiazide

Là nhóm thuốc được ưu tiên chỉ định trong điều trị huyết áp cao, bởi ngoài việc đào thải muối và nước ra khỏi cơ thể, thuốc còn có khả năng gây giãn mạch để nâng cao hiệu quả hạ áp. Các thuốc điển hình trong nhóm này bao gồm chlorothiazide, hydrochlorothiazide, metolazone, và indapamide…

Thuốc lợi tiểu quai

Đây là nhóm có tác dụng lợi tiểu mạnh nhất và được ưu tiên chỉ định trong trường hợp cần lợi tiểu nhanh (phù phổi cấp, hen tim). Thuốc lợi tiểu quai loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự tái hấp thu và tăng cường đào thải muối qua nước tiểu. Các thuốc trong nhóm thường được dùng phổ biến hiện nay bao gồm Torsemide, Furosemide, Bumetanid…

Thuốc lợi tiểu giữ kali (Amiloride, Spironolactone, Triamterene…)

Trong khi thuốc lợi tiểu quai và Thiazide gây tăng đào thải kali thì nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali có thể khắc phục tình trạng này. Do đó, nó thường được sử dụng kết hợp với 2 nhóm trên. Bạn có thể tìm thấy dạng phối hợp này trong cùng 1 biệt dược, chẳng hạn như Moduretic (amilorid + thiazid), Aldactazin (spironolacton + thiazid), Cycloteriam (triamteren + thiazid).

Ngoài ra, còn có một số thuốc lợi tiểu khác được dùng trong các trường hợp đặc biệt như thuốc lợi tiểu thẩm thấu (Manitol) được dùng cho người bệnh sau chấn thương hoặc phẫu thuật để duy trì khả năng bài xuất nước tiểu, thuốc ức chế men carbonic hydrase (Acetazolamid) chủ yếu dùng trong điều trị tăng nhãn áp.

Lưu ý về chế độ ăn khi sử dụng thuốc lợi tiểu

Nếu bạn đang sử dụng các thuốc lợi tiểu gây hạ kali máu (nhóm lợi tiểu quai, Thiazide), hãy tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu kali như chuối, cam, các loại rau họ cải như cải bó xôi, cải bắp, súp lơ… hoặc bổ sung kali đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngược lại, khi sử dụng thuốc lợi tiểu giữ kali, bạn cần hạn chế các thực phẩm đó trong bữa ăn hằng ngày.

Thuốc lợi tiếu giữ kali có thể gây thiếu hụt canxi trong cơ thể, do đó bạn cần chú ý bồi phụ canxi trong chế độ ăn bằng các thực phẩm như tôm, cua, sữa, phô mai…khi sử dụng các thuốc này.

Tang-cuong-bo-sung-cac-thuc-pham-giau-kali-khi-dung-thuoc-loi-tieu-gay-ha-kali-mau
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kali khi dùng thuốc lợi tiểu gây hạ kali máu

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc lợi tiểu và cách xử trí

Nhìn chung thuốc lợi tiểu khá an toàn, tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:

- Rối loạn nước – điện giải: các thuốc làm giảm nồng độ natri, clo, kali và canxi máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút, chán ăn, buồn nôn, ói mửa… Do đó, nếu bạn đang sử dụng các thuốc lợi tiểu gây hạ kali máu, hãy thận trọng khi dùng cùng với các corticoid (prednisolon, betamethason…) bởi sự phối hợp này có thể gây hạ kali máu quá mức.

- Rối loạn nhịp tim: do thuốc làm ảnh hưởng tới nồng độ kali máu, đây là ion quan trọng tham gia vào hoạt động dẫn truyền thần kinh điều khiển nhịp tim. Bạn hãy kiểm tra nhịp tim thường xuyên và báo cho bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu của rối loạn nhịp như nhịp tim nhanh, trống ngực, hồi hộp…

- Chóng mặt, choáng váng: có thể do rối loạn điện giải hoặc hạ huyết áp quá mức. Bạn nên ngồi xuống hoặc nằm cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó, hãy ngồi dậy và đứng lên từ từ để tránh hạ áp tư thế đứng có thể xảy ra.

- Mất nước: các dấu hiệu của mất nước bao gồm chóng mặt, khát nước, khô miệng, giảm lượng nước tiểu, nước tiểu sẫm màu hoặc táo bón. Hãy đảm bảo bổ sung đủ nước từ 1-1,5 lít mỗi ngày để hạn chế tình trạng mất nước quá mức có thể xảy ra.

- Đi tiểu thường xuyên: Ngoại trừ trường hợp cấp cứu, thuốc thường được ưu tiên chỉ định vào buổi sáng thay vì buổi tối để không làm ảnh hưởng giấc ngủ của người bệnh.

- Tăng đường máu: thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu có thể gây rối loạn dung nạp glucose ở tế bào, từ đó làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh đái tháo đường hoặc nặng thêm tình trạng bệnh.

- Tăng acid uric máu: có thể làm khởi phát cơn gút cấp.

- Gây ù tai, điếc không hồi phục: là biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải khi sử dụng thuốc lợi tiểu quai liều cao, kéo dài và đặc biệt là trên người bệnh suy gan, thận hoặc khi phối hợp với các thuốc kháng sinh nhóm aminosid (gentamycin, streptomycin, kanamycin…) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh số 8 gây điếc không hồi phục. Các biểu hiện như chóng mặt, tê, ngứa da, co giật cơ… có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh thính giác.

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc lợi tiểu, bạn cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đừng quên xin lại số điện thoại của bác sĩ để liên hệ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên để có thể được hướng dẫn xử trí đúng cách. Hãy là người bệnh nắm thế chủ động khi sử dụng các thuốc này.

 

Nguồn tham khảo:

http://www.healthline.com/health/diuretics#Overview1

http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/diuretic-treatment?page=2

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận