Tập luyện thể thao đối với người bình thường giúp tăng cường sức khỏe, không chỉ vậy, vận động theo liều lượng hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tim mạch. Tại lớp tập huấn về “Công tác phục hồi chức năng trong bệnh lý tim mạch” vừa được tổ chức tại BV An Bình (TP.HCM), TS.BS Juliette Hussey, Trưởng khoa Vật lý trị liệu trường ĐH Y khoa Trinity Dublin (Ireland) đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của việc tập luyện trong điều trị phục hồi và phòng ngừa bệnh tim mạch.

“Chạy xa” bệnh tim mạch

Theo TS Hussey, sự gia tăng hoạt động thể chất và tình trạng thể lực tim phổi giúp giảm nguy cơ tử vong từ bệnh tim mạch vành. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng tập luyện một môn thể thao đều đặn ở mức độ vừa phải sẽ làm cải thiện sức khỏe, ngay cả khi tình trạng thể lực vẫn chưa có thay đổi.

Trái tim của chúng ta, khi được tập luyện thường xuyên sẽ đập chậm hơn khi phải vận động mạnh. Ngoài ra, cơ bắp của một người siêng năng tập luyện sẽ ít mệt mỏi, tạo nên cảm giác khỏe khoắn lâu dài. Không chỉ vậy, tập thể thao giúp bạn tránh được quá trình tích tụ mỡ của cơ thể, vốn được xem là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Ngoài ra, động mạch vành cũng giãn nở dễ dàng, giúp tim hoạt động hiệu quả.

phongn7gua

Tập luyện thể thao và bệnh tim mạch

Tuy nhiên, với những người có vấn đề về bệnh tim mạch, cần đến khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp. Tốt nhất là chỉ chọn những môn thể thao không đòi hỏi nhiều thể lực như đi bộ, chạy bộ (chậm), bơi lội, thể dục nhẹ nhàng… Đặc biệt, cần khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để các hệ cơ-xương-khớp, hệ tuần hoàn và hô hấp có thể thích nghi với nhịp độ vận động. Bệnh nhân tim mạch cần tránh tập luyện với tinh thần của một “đấu sĩ” vì gắng sức quá sẽ có thể gây nguy hiểm. Bạn cần nhớ điều này: chơi thể thao trong trường hợp của bạn là để cải thiện sức khỏe, chứ không phải để giành chiến thắng.

Mỗi người nên hoạt động thể chất ở mức trung bình 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần. Không bắt buộc phải là 30 phút liên tục, bạn có thể tập luyện linh động theo khả năng của mình. Chỉ cần "chạy" đủ thời lượng là bạn đã có thể "xa" nhiều nguy cơ từ bệnh tim mạch.

Vận động để phục hồi chức năng tim mạch

TS Hussey cho biết trái với suy nghĩ khá phổ biến “bệnh nhân tim mạch cần nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường”, những bệnh nhân bị bệnh tim có tập luyện thường xuyên đã cảm thấy tâm lý sảng khoái hơn, sự tự tin và chất lượng cuộc sống gia tăng. Họ cũng ít bị các triệu chứng, ít đi khám bác sĩ và khả năng trở lại làm việc nhiều hơn. Như vậy, rõ ràng vận động hợp lý đã đóng góp nhiều cho quá trình phục hồi chức năng tim mạch của các bệnh nhân.

Tại Ireland và các nước châu Âu, tập thể dục thường được xem là nhân tố trung tâm trong những chương trình hồi phục tim mạch. Trước khi tham gia tập luyện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ đo đạc cẩn thận các chỉ số để xếp loại nguy cơ thấp, trung bình hay cao nhằm chọn lựa được một chế độ tập luyện phù hợp nhất. Với những bệnh nhân vừa trải qua một cơn “thập tử nhất sinh” vì bệnh tim mạch, việc vận động sẽ được phân ra theo giai đoạn cụ thể, phụ thuộc vào chương trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng do bác sĩ và các kỹ thuật viên đưa ra. Tại các nước có điều kiện, bệnh nhân sẽ được tổ chức những lớp học để tập luyện theo nhóm cùng nhau.

Theo một nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do tim mạch có thể giảm 20-25% nhờ tập luyện (trong các chương trình phục hồi chức năng tim mạch). Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, việc áp dụng vật lý trị liệu và các chương trình phục hồi chức năng đối với bệnh tim mạch vẫn chưa phổ biến do tính chất phức tạp và nhiều rủi ro của căn bệnh. Từ khóa học với TS Juliette Hussey, những BS chuyên khoa tim mạch ở các BV của TP.HCM đã có dịp cùng nhìn lại và thảo luận để tìm ra một hướng đi thích hợp cho vấn đề này.

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận