Tôi bị tiểu đường tuýp 2, thử máu buổi sáng, glucose 6,9mmol/l, HbA1c dưới ngưỡng 7,2%, cụ thể là 6,5%, có uống 1 viên metformin. Bác sĩ nói, không sao, nhưng tôi sụt cân và tiểu nhiều, xét nghiệm nước tiểu, thận ổn, không có đường trong nước tiểu. Tôi muốn không gầy đi và không tiểu nhiều,phải điều trị thế nào?

Chào bạn,

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường mới nhất hiện nay, bạn đã bị bệnh tiểu đường và việc điều trị bằng Metformin là cần thiết để sớm đưa đường về ngưỡng ổn định.

Tiểu nhiều, gầy nhiều là triệu chứng điển hình khi bị tiểu đường ở giai đoạn bùng phát. Nguyên nhân là do đường trong máu tăng cao. Hiện nay, không rõ bạn đã tiếp nhận điều trị được bao nhiêu lâu? Nếu mới, thì bạn không cần lo lắng mà tiếp tục điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng nếu thời gian điều trị khoảng 2 - 3 tuần, bạn có thể cần phải xem xét lại:

- Chế độ ăn đã kiểm soát tốt hay chưa? Nhiều người sợ đường huyết tăng không ăn nhiều cơm, nhưng lại ăn nhiều bún, hủ tiếu, miến, phở... Nhưng đây lại là những tinh bột tinh chất làm đường huyết tăng nhanh hơn. Vì vậy, trong chế độ ăn, nên chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn ít chất bột đường và ăn tăng cường rau. Uống nhiều nước để tăng cường loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.

- Bạn có tập luyện hay không? Tập luyện là cách hiệu quả nhất giúp cơ thể sử dụng đường dư thừa đúng cách, từ đó hạ đường huyết. Bạn nên dành thời gian tối thiểu 45 - 60 phút mỗi ngày đi bộ, đi xe đạp, chơi cầu lông...

Nếu sau khi đã xem xét những yếu tố trên mà các triệu chứng không cải thiện, bạn phải quay lại bệnh viện sớm để được bác sĩ tăng thêm liều thuốc hoặc phối hợp thêm các nhóm thuốc khác để giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Bạn mới bị tiểu đường, đường huyết lúc đói nên kiểm soát dưới 6.5 mmol/l, HbA1c dưới 6.5 % (tốt nhất dưới 6%). 

Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận