Ngày 18/8/2016, Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu mới: Sỏi mật làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên đến 23%.

Sỏi mật là bệnh đường tiêu hóa phổ biến, hình thành bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhưng thường gặp nhất là rối loạn trong quá trình sản xuất dịch mật. Theo các nhà khoa học, những yếu tố như mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cholesterol máu cao, huyết áp cao, chế độ ăn thiếu chất… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và sỏi mật.

Soi-mat-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-mach

Sỏi mật làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Theo kết quả của một nghiên cứu hồi cứu, tổng hợp được từ 7 nghiên cứu đơn lẻ, với tổng cộng số người tham gia là 842.553, trong đó có 51.123 người mắc bệnh tim mạch, các nhà khoa học đã cố gắng tìm mối liên quan giữa sự phát triển của sỏi mật với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Sau khi phân tích và thống kê, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, sỏi mật làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch là 23%, và nguy cơ này đồng đều ở cả hai giới.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những bệnh nhân mắc sỏi mật cần được theo dõi và kiểm soát sát sao để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch” - một thành viên trong nhóm nghiên cứu phát biểu.

Thậm chí, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy rằng, các đối tượng bị bệnh sỏi mật, nhưng không bị béo phì, tiểu đường và huyết áp cao, vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đưa ra được lý do cụ thể vì sao bệnh sỏi mật và bệnh tim mạch lại có mối liên quan với nhau. Một vài lý thuyết sau đó đưa ra rằng, bệnh sỏi mật ảnh hưởng tới sự tiết của acid mật, và làm thay đổi bất thường trong quá trình trao đổi chất của hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng những lý thuyết này còn khá lỏng lẻo, chưa có mối liên kết rõ ràng và không đủ bằng chứng thuyết phục.

Nhóm nghiên cứu cho biết, thử nghiệm họ hy vọng có thể mở ra những nghiên cứu tiếp theo để xác định mối liên quan chặt chẽ giữa sỏi mật và bệnh tim mạch, từ đó, đưa ra các lời khuyên cụ thể mà người bệnh sỏi mật nên tuân thủ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Theo nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2016/08/160818165911.htm

Bình luận