Chế độ ăn uống giàu Niacin có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson, theo một kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Leicester, Anh quốc.

Nhóm các nhà khoa học của Đại học Leicester, Anh quốc đã tiến hành các nghiên cứu mới, nhằm tìm ra hướng điều trị tiềm năng cho bệnh Parkinson bằng cách can thiệp dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có bệnh Parkinson khởi phát sớm có thể được hưởng lợi từ việc tăng cường bổ sung lượng niacin trong chế độ ăn uống của họ.

Vai trò của Niacin trong cơ thể

Niacin, còn có tên gọi khác là vitamin B3, axit nicotinic hay vitamin PP, là một chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể con người. Niacin có mặt trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm gan, thịt gà, thịt bò, cá, ngũ cốc, đậu phộng và các loại hạt như óc chó, hạt điều…

Sự thiếu hụt niacin ở mức nhẹ đã được chứng minh là sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất. Sự thiếu hụt niacin nghiêm trọng có thể gây ra bệnh pellagra, với những biểu hiện là viêm da, viêm miệng, suy giảm trí nhớ, rối loạn tiêu hóa và sẽ tử vong nếu không được điều trị. Các triệu chứng tâm thần thường gặp khi thiếu niacin bao gồm mệt mỏi, lo âu, khó chịu, kém tập trung, bồn chồn, thờ ơ và trầm cảm…

Niacin-co-nhieu-trong-cac-loai-hat-giup-han-che-tien-trien-cua-benh-Parkinson
Niacin có nhiều trong các loại hạt, giúp hạn chế tiến triển của bệnh Parkinson

Chế độ ăn giàu niacin giúp làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson xảy ra khi các tế bào thần kinh sản xuất ra Dopamin ở một vùng của não bộ bị thoái hóa và chết dần. Một trong những nguyên nhân chính đã được biết đến là gây ra sự chết của các tế bào thần kinh, là do các ty lạp thể - nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào hoạt động không đúng cách.

Tiến sĩ Miguel Martins, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: “Một số gen đột biến gen như gen PINK1, ngăn không cho tế bào loại bỏ các ty lạp thể bị lỗi. Khi chúng tích lũy, tế bào thần kinh không được cung cấp đủ năng lượng và chết đi. Các ty thể bị lỗi cũng giải phóng các phân tử độc hại làm hỏng các DNA của tế bào”.

Các nhà khoa học của Đại học Leicester đã tiến hành nghiên cứu trên những con ruồi giấm có gen đột biến PINK1 bắt chước giống người. Qua đó họ đã phát hiện ra, có một hợp chất trong cơ thể rất quan trọng cho việc tạo ra năng lượng và sửa chữa những DNA bị hỏng của tế bào, từ đó ngăn chặn sự mất đi của các tế bào thần kinh. Hợp chất này được gọi là NAD, được tổng hợp từ niacin ở trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu đã cho những con ruồi giấm có gen đột biến PINK1 bổ sung thêm niacin trong chế độ ăn hàng ngày. Kết quả cho thấy, số lượng ty thể bị lỗi ở những con ruồi giấm được bổ sung niacin ít hơn hẳn so với nhóm không được bổ sung niacin.

Như vậy, bằng cách tăng cường bổ sung niacin trong chế độ ăn có thể giúp làm chậm lại quá trình chết đi của các tế bào sản xuất Dopamin. Điều này đặc biệt có lợi cho những bệnh nhân Parkinson khởi phát sớm, giúp hạn chế tiến triển của bệnh Parkinson. Kết quả nghiên cứu này cũng mở ra những hướng đi mới trong việc phát triển các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson trong tương lai.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: http://neurosciencenews.com/niacin-parkinsons-neurology-5912/

Bình luận