Sỏi ống mật chủ là một bệnh thường gặp ở nước ta, chiếm 80 - 85% sỏi đường mật. Ống mật chủ có nhiệm vụ dẫn mật từ gan xuống nhưng khi có sỏi sẽ gây tắc mật, khiến mật không xuống được, bệnh nhân sẽ đau, sốt, vàng da.

Theo BS Dương Quang Huy, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 103: Trước đây, bệnh này thường phải phẫu thuật mở nhưng để lại nhiều biến chứng. Với kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng tại Bệnh viện 103, bệnh nhân không cần phẫu thuật mà sỏi vẫn lấy được đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Một ca nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ tại Bệnh viện 103.

Một ca nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi ống mật chủ tại Bệnh viện 103.

Chị Nguyễn Thị Phương (Quốc Oai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, vàng da và những cơn đau bụng. Qua chẩn đoán, các bác sĩ đã phát hiện chị bị sỏi ống mật chủ và phải tiến hành nội soi để lấy bỏ sỏi. Chỉ mất 2 ngày nằm viện, với chi phí 3 triệu đồng (không bảo hiểm) chị đã ra viện và có sức khoẻ bình thường.

Sỏi ống mật chủ ở các bệnh nhân phần lớn là sắc tố mật, nhân là xác hoặc trứng giun đũa. Yếu tố giun lên đường mật và nhiễm trùng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hình thành sỏi. Với phương pháp nội soi, bệnh nhân sẽ nằm lên một bàn X-quang, sau đó được làm tê họng bằng thuốc tê và cho tiền mê hoặc gây mê. Bác sĩ sẽ luồn 1 ống nội soi bằng nhựa nhỏ vào miệng bệnh nhân, qua dạ dày, rồi qua khúc 2 tá tràng.

Từ đây đưa vào ống mật chủ rồi sử dụng chiếc giọ hoặc bóng để lấy những viên sỏi ra. Đặc biệt với phương pháp này có thể áp dụng cho những bệnh nhân không có điều kiện phẫu thuật như già yếu, ít người chăm sóc...

Nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi có ưu điểm là không phải mổ bụng, không cần gây mê sâu, thời gian nằm viện ngắn và ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu sỏi lớn hoặc quá nhiều sỏi trong đường mật thì có thể không lấy được sỏi.

Bình luận