Kiểm soát đường huyết khi mắc tiểu đường là một cuộc chiến lâu dài, bạn sẽ không thể dành chiến thắng trong vòng một hoặc hai tháng. Sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để bạn có thể duy trì đường huyết ổn định. Tuy nhiên, bạn bắt buộc phải làm được điều này nếu không muốn đối diện với biến chứng những nguy hiểm do tiểu đường gây ra, thậm chí là tử vong.

Vài nét về chỉ số đường huyết

Đường huyết được tính bằng đơn vị mg/dL hoặc mmol/l. Người bệnh có thể dễ dàng đọc chỉ số này trong kết quả xét nghiệm máu được thực hiện ở bệnh viện hoặc từ máy đo đường huyết cầm tay.

Theo Hội Tiểu đường Mỹ, để phòng tránh biến chứng thì người bệnh cần duy trì chỉ số đường huyết ở mức 80 - 130 mg/dL (4.4 - 7.2 mmol/l) khi đói và nhỏ hơn 180 mg/dL (10 mmol/l) khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ sau ăn.

Duong-huyet-tang-cao-keo-dai-co-the-gay-ra-nhieu-bien-chung-nguy-hiem
Đường huyết tăng cao kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Chỉ số đường huyết khi đói lớn hơn 160 mg/dL (9.0 mmol/l) được gọi là tăng đường huyết. Đường huyết nằm trong khoảng 160 - 250 mg/dL (9.0 - 14 mmol/l) bạn sẽ có nguy cơ rất cao gặp phải các biến chứng gây ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn như: bệnh tim mạch, mắt, thận, thần kinh, đột quỵ… Nếu lượng đường từ 500 mg/dL (27.8 mmol/l), bạn có thể thấy thường xuyên khát nước và đi tiểu liên tục, sụt cân nhanh chóng và luôn cảm thấy mệt mỏi.

Không chỉ tăng đường huyết, mà hạ đường huyết cũng là biến chứng cấp tính nguy hiểm ở người tiểu đường, khi đường máu giảm xuống dưới 70 mg/dL (4.0 mmol/l). Hạ đường huyết có thể là kết quả khi bạn dùng quá liều insulin, thuốc hạ đường huyết hoặc bỏ qua bữa ăn, tập thể dục quá sức hay uống rượu bia. Khi đường huyết xuống thấp, bạn có thẻ cảm nhận tay chân run rẩy, người vã mồ hôi, đói cùng cực, hoa mắt, choáng váng… Các triệu chứng nặng hơn do tổn thương thần kinh có thể bao gồm rối loạn nhịp tim, nhức đầu, dễ kích động, co giật… Nếu lượng đường tiếp tục giảm xuống còn 30 mg/dL (1.7 mmol/l) bạn có thể rơi vài trạng thái hôn mê.

10 giải pháp giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả

Hãy bắt đầu với những lời khuyên này để giúp bạn kiểm soát tốt đường máu và phòng tránh biến chứng của bệnh tiểu đường type 2:

1. Tuân thủ điều trị bằng thuốc: Có rất nhiều loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết. Sau khi được chẩn đoán và kê đơn thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ, không đổi thuốc hoặc ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sỹ.

2. Ăn đúng giờ: Ăn thực phẩm lành mạnh cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ giúp cơ thể làm quen với chế độ ăn, hạn chế tình trạng đói do ăn muộn, khiến cơn thèm ăn mất kiểm soát.

3. Ăn dàn trải lượng tinh bột, đường: Mỗi lần ăn chỉ nên giữ trong khoảng từ 30 - 60 gram, 4 - 6 bữa mỗi ngày để lượng đường trong máu không quá cao mà vẫn đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

4. Thường xuyên kiểm tra đường huyết: Bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc máy đo đường huyết tại nhà để tiện theo dõi. Hàng ngày, nên đo đường huyết ít nhất 4 lần trong ngày, đó là sau khi ngủ dậy, trước khi ăn chính, sau ăn 1-2h và trước khi đi ngủ. Bạn có thể tăng số lần kiểm tra nếu bạn bị ốm bệnh, đang dùng thuốc khác hoặc ăn một loại thực phẩm trước đây bạn chưa từng ăn.

De-kiem-soat-duong-huyet-hieu-qua-can-phai-thuc-hien-nhieu-giai-phap-phoi-hop
Để kiểm soát đường huyết hiệu quả cần phải thực hiện nhiều giải pháp phối hợp

5. Mua sổ để ghi chép chỉ số đường huyết: Bạn cần ghi lại thông tin về các bữa ăn mỗi ngày. Ăn món gì? Lượng bao nhiêu? Thời điểm ăn… cùng với chỉ số đường huyết trước hoặc sau bữa ăn. Những thông tin này rất quan trọng với bác sỹ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

6. Đề phòng các dấu hiệu hạ đường huyết: Khi có dấu hiệu hạ đường huyết, bạn cần ăn ngay 1 - 2 viên kẹo glucose mua tại hiệu thuốc hoặc một cốc nước ép trái cây. Nếu đường huyết đo được vẫn dưới 70 mg/dL sau ăn 15 phút, bạn nên ăn tiếp 15 gram đường glucose. 15 phút tiếp theo, nếu các triệu chứng không thuyên giảm, đường huyết không có dấu hiệu tăng, bạn nên nhập viện ngay lập tức để được xử lý.

7. Tập thể dục: Những động tác thể dục sẽ giúp đốt cháy năng lượng, kích thích hấp thu đường từ máu vào các tế bào, giúp giảm bớt mỡ máu và đường huyết. Tuy nhiên, trước khi tập, bạn nên ăn một bữa ăn nhẹ và vận động nhẹ nhàng trong khoảng 30 phút để tránh hạ đường huyết.

8. Kiểm soát các bữa ăn ngoài: Sẽ rất khó để có thể kiểm soát đường huyết nếu người bệnh ăn ngoài ở nhà hàng, khách sạn… do nguyên liệu nấu ăn có thể có nhiều đường, tinh bột. Khi đặt đồ, bạn nên dặn đầu bếp hạn chế mỡ, bơ, kem, đường… để tránh đường huyết tăng cao.

9. Ăn cùng bữa với gia đình: Mắc bệnh đường không có nghĩa là phải ăn riêng biệt. Việc ăn uống cùng gia đình sẽ giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn. Người thân trong gia đình cũng là động lực giúp người bệnh quyết tâm kiểm soát đường huyết.

10. Quyết tâm cao độ: Bệnh tiểu đường sẽ nặng dần lên theo thời gian nếu bạn không có quyết tâm kiểm soát đường huyết.

Trên đây là 10 chiến lược quan trọng để kiểm soát đường huyết ở ngưỡng an toàn cho người bệnh tiểu đường type 2. Kiểm soát tốt đường huyết đồng nghĩa sẽ giúp bạn sống chung với bệnh tiểu đường, có một sức khỏe tốt để tận hưởng cuộc sống cùng với bạn bè, người thân trong gia đình.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: http://www.everydayhealth.com/hs/type-2-diabetes-management/blood-sugar-control/

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận