Đối với người bệnh tiểu đường, chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng ăn ra sao để giảm đường máu nhưng vẫn đủ no, đủ dinh dưỡng lại là điều mà không phải người bệnh nào cũng nắm rõ. Dưới đây, hãy cùng lắng nghe tư vấn của BS Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, bệnh viện Nội tiết trung ương để biết cách xây dựng một chế độ ăn khoa học và lành mạnh nhất nhé!

 

Chế độ ăn khoa học giúp người tiểu đường điều trị bệnh tốt hơn.

Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường

Theo BS Nguyễn Huy Cường, chế độ ăn cho người tiểu đường hiện nay phải được “cá thể hóa”. Mỗi người bệnh dù type 1 hay type 2 đều cần phối hợp với bác sĩ để tự xây dựng một chế độ ăn phù hợp thỏa mãn 5 yếu tố:

1. Chế độ ăn không làm tăng đường máu nhiều sau khi ăn.
2. Không ăn kiêng quá mức gây hạ đường huyết lúc đói.
3. Chế độ ăn cần giúp duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
4. Không tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội khác phát triển.
5. Chế độ ăn đơn giản, dễ áp dụng và không tốn kém.

Hiện nay rất nhiều người bệnh tiểu đường ăn kiêng quá mức và trở nên stress vì việc ăn uống. Trong khi, một thực phẩm tốt cho người tiểu đường hay không còn phụ thuộc vào khối lượng thức ăn, thời điểm ăn và cơ địa từng người.

100g chuối, mít hoặc na chỉ chứa khoảng 15g đường. Trong khi đó, 1 bát bún/phở có 50g đường, 1 lạng khoai sọ có 24g đường. So sánh với hoa quả ngọt như chuối, rõ ràng ăn 100g chuối sẽ ít tăng đường máu hơn.

Tốt nhất, bạn hãy kiểm tra đường máu sau khi ăn 1- 2h. Nếu đường máu dưới 11 mmol/l tức là chế độ ăn của bạn đang ổn.

Người tiểu đường cần lưu ý gì khi chế biến thức ăn?

Trả lời về câu hỏi này, BS Nguyễn Huy Cường cho biết: “Thức ăn càng tinh chế, càng nhuyễn nhừ, càng nấu kỹ, càng không có lợi cho người tiểu đường. Người bệnh phải làm sao cho thức ăn “khó tiêu” hơn và ăn với lượng vừa đủ. Điều này sẽ giúp đường máu sau ăn không tăng cao và đường máu tại thời điểm xa bữa ăn cũng không hạ xuống quá thấp.

Ví dụ, gạo nấu thành cơm sẽ gây tăng đường máu khác với gạo nấu thành cháo. Cháo sẽ được tiêu hóa rất nhanh nên khiến đường máu tăng nhanh hơn cơm. Hay giữa gạo thường và gạo lứt, gạo lứt “khó tiêu” hơn. Nhưng nếu ăn nhiều gạo lứt, lượng đường trong máu vẫn tăng cao do khối lượng tinh bột đưa vào cơ thể quá nhiều.

Ngoài ra, những người tiểu đường tăng huyết áp, mỡ máu cần hạn chế dùng quá nhiều muối, dầu mỡ khi nấu ăn. Điều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch gây tử vong.

 Người bệnh tiểu đường không nên nấu thức ăn quá nhuyễn nhừ.

Người bệnh tiểu đường không nên nấu thức ăn quá nhuyễn nhừ.

Có nên chọn thực phẩm theo chỉ số đường huyết không?

Về lý thuyết, chỉ số đường huyết của thực phẩm là tỷ lệ diện tích đường máu tăng thêm sau ăn 4h so với đường glucose. Do đó, những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ có lợi hơn cho người bệnh tiểu đường. Ví dụ như các loại đậu đỗ, rau xanh, chỉ số GI chỉ bằng khoảng 30 - 40% đường glucose.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Huy Cường, chỉ số đường huyết của thực phẩm có tính lý thuyết khá cao, khó ứng dụng thực tế. Bởi việc đường máu sau ăn có tăng cao hay không còn phụ thuộc khối lượng thức ăn.

Ví dụ, mật ong có chỉ số đường huyết rất cao. Tuy nhiên nếu chỉ ăn 1 thìa cà phê (chứa khoảng 15g đường) thì đường máu cũng không tăng quá cao. Hoặc với gạo lứt, chỉ số đường huyết thấp hơn gạo thường, ngô nhưng nếu ăn nhiều thì đường huyết vẫn tăng.

Hiện nay có 1 chỉ số khác là tải lượng đường huyết, bằng chỉ số đường huyết nhân với khối lượng thức ăn. Chỉ số này có tính ứng dụng thực tế hơn chỉ số đường huyết GI. Ví dụ, ăn 15g đường dưới dạng mật ong, mặc dù có chỉ số đường huyết cao nhưng sẽ ít tăng đường máu hơn khi ăn 1 bát cơm gạo lứt có chỉ số đường huyết thấp mà lại tương đương 50g đường.

Thực đơn bữa sáng cho người tiểu đường

Theo BS Nguyễn Huy Cường, bữa sáng hiện nay của người Việt Nam đều chưa khoa học: nhiều tinh bột (cơm, bún, miến, phở, xôi…) nhưng ít rau xanh. Nếu bị tiểu đường, người bệnh cần thay đổi thực đơn này. Thứ nhất, chỉ nên ăn 1/2 - 1/3 lượng chất bột trong bữa sáng bình thường. Thứ hai, gấp đôi lượng chất đạm trong bữa sáng, có thể thêm thịt hoặc trứng tùy sở thích. Thứ ba, thêm rau xanh hoặc trái cây đại diện cho chất xơ.

Ví dụ, trước đây 1 người ăn 1 bát phở khoảng 60g đường. Hiện nay có thể thay đổi thành ăn 1/2 bát phở (30g đường) và 1 trái chuối nhỏ 100g (15g đường), tổng chỉ còn 45g đường. Hoặc có thể ăn yến mạch nấu với trứng hoặc sữa tươi. Đây cũng là một thực đơn bữa sáng tốt cho người tiểu đường..

 Chế độ ăn cho người tiểu đường trong bữa sáng phải có chất xơ từ rau hoặc trái cây.

Chế độ ăn cho người tiểu đường trong bữa sáng phải có chất xơ từ rau hoặc trái cây.

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì thay cơm?

Chia sẻ về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Cường cho biết: “Bản thân cơm trắng không có hại nên người tiểu đường không cần thiết phải nhịn ăn cơm trắng. Quan trọng là ăn bao nhiêu cho hợp lý? Điều này cũng tương tự với các thực phẩm khác. Không có thực phẩm hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Biết cách khống chế số lượng, dù bị tiểu đường, người bệnh vẫn có thể ăn tất cả các loại thực phẩm, kể cả cơm trắng chứa nhiều tinh bột.”

Nếu không ăn cơm, người bệnh có thể thay thế bằng bánh mì, bún, miến, bánh bao, khoai, sắn, ngô, các loại bột ngũ cốc… Miễn sao, lượng tinh bột trong thực phẩm thay thế phải tương đương.

Ví dụ nhu cầu 1 bữa ăn là 40g đường, khi chuyển sang ăn khoai sọ hay bánh mỳ cũng phải ăn lượng chứa 40g đường. Rất nhiều người mắc phải sai lầm này, lo lắng cơm trắng làm tăng đường máu nhưng khi chuyển sang thực phẩm khác lại không tính toán đến số lượng thức ăn. Hệ quả cuối cùng là đường máu vẫn tăng.

Những loại trái cây nên có trong chế độ ăn cho người tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể ăn tất cả các loại trái cây, không phải hạn chế bất cứ loại nào. Mặc dù trái cây chứa đường nhưng loại thực phẩm này còn chứa nhiều chất xơ, vitamin khoáng chất có lợi cho người tiểu đường. Chưa kể đến so sánh giữa 100g trái cây và nhiều thực phẩm chứa tinh bột khác, trái cây tươi chứa ít đường hơn. Trung bình 100g hoa quả ngọt (chuối, xoài, nho, mít…) cũng chỉ chứa khoảng 15g đường

Tuy nhiên, BS Nguyễn Huy Cường cảnh báo: “Trái cây tốt nhưng nếu ăn nhiều vẫn sẽ gây tăng đường máu. Nên khi ăn thêm trái cây trong bữa chính phải giảm bớt lượng cơm trong bữa đó. Ví dụ, nếu dự định ăn tráng miệng bằng 100g chuối hoặc xoài lượng cơm trong bữa ăn phải cắt bớt khoảng 1/3 lưng bát cơm.

 Người bệnh tiểu đường có thể ăn tất cả các loại trái cây

Người bệnh tiểu đường có thể ăn tất cả các loại trái cây

Người bệnh tiểu đường có uống bia rượu được không?

Bia rượu là đồ uống khó tránh khỏi trong các buổi liên hoan, tụ tập. Nếu có thể từ chối, người bệnh tiểu đường nên từ chối. Ngược lại, người bệnh có thể uống nhưng cần lưu ý 2 vấn đề.

Thứ nhất là không uống quá nhiều bia rượu. Bởi bia rượu có thể gây ra hạ đường huyết cấp tính. Não bộ của con người hoạt động được là nhờ đường. Nếu đường huyết giảm xuống quá thấp, có thể ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Đặc biệt là những người type 1 đang tiêm insulin hoặc type 2 đang dùng thuốc nhóm sulfamid, nguy cơ hạ đường huyết nặng dẫn đến tử vong sẽ tăng lên. Tốt nhất người bệnh nên cố gắng hạn chế tối đa lượng bia rượu. Nếu có thể nên dưới 2 lon bia hoặc 2 - 3 ly rượu trắng.

Thứ hai, người bệnh phải kiểm soát lượng thức ăn khi uống rượu. Khi uống rượu bia, người bệnh thường có xu hướng ăn nhiều hơn. Điều này có thể khiến đường máu tăng lên. Vì vậy, BS Nguyễn Huy Cường khuyến cáo, trong những bữa có rượu bia, người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn nhiều hơn 20 - 30% lượng thức ăn so với bữa ăn thông thường. Đồng thời, cần ăn nhiều rau và ăn vừa phải thịt. Bởi thịt cũng có thể làm tăng đường máu sau ăn 3 - 4 giờ.

Có thể nói, chế độ ăn cho người tiểu đường hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Thay vì tập trung vào các thực phẩm nên ăn nên kiêng dẫn tới thiếu dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường nên chú ý vào khối lượng thức ăn, thời điểm ăn cũng như cách chế biến và thực phẩm ăn kèm. Điều này sẽ giúp người bệnh vừa giảm được đường máu vừa đủ dinh dưỡng lại không cần ăn uống quá kiêng khem.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các lên thực đơn hay chế độ ăn cho người tiểu đường kèm mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận, gout, hãy bình luận ngay dưới bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn.

Dược sĩ Kim Chi

Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Huy Cường

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận