Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là một dạng rối loạn nhịp tim với những nhịp tim nhanh bất thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, với tỷ lệ mắc là 1 – 3/ 1.000 người, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu nó xuất hiện cùng rung nhĩ.

Nguyên nhân gây ra Hội chứng Wolff-Parkinson-White

Nguyên nhân của hội chứng Wolff-Parkinson-White được phát hiện là do trái tim của người bệnh bẩm sinh đã có thêm một đường nối điện phụ (cấu tạo từ các sợi cơ tim) trong hệ thống dẫn truyền xung điện tim, gây ra bởi nhóm các sợi cơ tim bất thường xuất hiện trong tim của thai. Xung điện tim thay vì đi từ tâm nhĩ đến tâm thất như bình thường thì lại đi qua đường nối điện phụ này, tạo thành một con đường dẫn truyền ngắn hơn gây ra nhịp tim nhanh trên thất.

Duong-noi-dien-phu-trong-hoi-chung-Wolff-Parkinson-White-lam-roi-loan-nhip-tim

Đường nối điện phụ trong hội chứng Wolff-Parkinson-White làm rối loạn nhịp tim

Nhiều người có đường nối điện phụ này nhưng không hề phát bệnh cho đến khi về già, nhưng cũng có những trường hợp phát hiện mắc hội chứng này rất sớm, ở độ tuổi từ 20 – 40. Hội chứng  Wolff-Parkinson-White không có triệu chứng vẫn có thể phát hiện được khi người bệnh tình cờ đo điện tâm đồ ở bệnh viện để khám các bệnh lý khác.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White có nguy hiểm không?

Bất kỳ một tình trạng bệnh lý nào liên quan đến tim mạch cũng đều có thể khiến người bệnh lo lắng. Tuy nhiên, Hội chứng Wolff-Parkinson-White lại thường không gây nguy hiểm như vậy. Bạn có thể không có triệu chứng hoặc chỉ thi thoảng gặp một vài triệu chứng nhẹ như tim đập nhanh, trống ngực nhẹ. Nếu được điều trị, tình trạng này có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White đôi khi có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là nếu nó xảy ra cùng một loại rối loạn nhịp tim được gọi là rung nhĩ. Tuy nhiên, tình trạng này hiếm khi xảy ra và có thể loại bỏ nguy cơ này nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm.

Dấu hiệu nhận biết Hội chứng Wolff-Parkinson-White

Nếu bạn mắc hội chứng  Wolff-Parkinson-White có triệu chứng, bạn sẽ cảm nhận được các giai đoạn trái tim đập nhanh, trước khi đột ngột chậm lại. Những nhịp tim nhanh bất thường này còn còn được gọi là nhịp nhanh trên thất (SVT).

Khi bị cơn tim nhanh trên thất, bạn có thể gặp một số triệu chứng dưới đây:

-  Tim đập nhanh, dồn dập

-  Khó thở

-  Tức ngực

-  Lo lắng, toát mồ hôi

-  Ngất xỉu

-  Mệt mỏi

Cơn nhịp nhanh trên thất có thể chỉ kéo dài trong vài giây đến vài phút hoặc một vài giờ, hiếm có trường hợp nào kéo dài nhiều ngày. Tùy thuộc vào từng người mà cơn tim nhanh trên thất có thể xảy ra 1 vài lần mỗi ngày, có người lại chỉ xuất hiện vài lần trong năm. Nó thường xảy ra một cách ngẫu nhiên không thể dự đoán trước. Tuy nhiên, một số người bệnh cho rằng họ thường bị cơn tim nhanh trên thất khi tập thể dục cường độ cao hoặc uống quá nhiều rượu, cà phê.

Khi nào cần đi khám

Di-kham-de-phat-hien-som-hoi-chung-Wolff-Parkinson-White

Đi khám để phát hiện sớm hội chứng Wolff-Parkinson-White

Nếu bạn chưa được chẩn đoán mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White mà có các triệu chứng đã nêu ở trên, bạn nên đến bệnh viện sớm để được điều trị. Nếu các triệu chứng kéo dài hoặc nghiêm trọng, bạn cần gọi ngay cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa đi bệnh viện càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán hội chứng Wolff-Parkinson-White

Hội chứng Wolff-Parkinson-White thường được chẩn đoán dễ dàng bằng phương pháp đo điện tâm đồ. Do đó, nếu bạn đến bệnh viện với các nghi vấn mắc hội chứng này, bạn sẽ được chỉ định đo điện tâm đồ đầu tiên. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơn tim nhanh cũng dễ dàng xuất hiện, nhất là trong lúc đo điện tâm đồ nên người bệnh sẽ phải đeo một thiết bị điện tâm đồ di động (máy Holter) trong một vài ngày để phát hiện các biểu hiện bất thường.

Điều trị hội chứng Wolff-Parkinson-White

Trong nhiều trường hợp, hội chứng Wolff-Parkinson-White là vô hại, thời gian xuất hiện ngắn và ổn định nên không cần điều trị.

Trong trường hợp các triệu chứng xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng, bạn cần được theo dõi và điều trị sớm. Mục tiêu trong điều trị hội chứng Wolff-Parkinson-White bao gồm: Dừng cơn tim nhanh trên thất hiện có và ngăn ngừa cơn nhịp nhanh tái phát trong tương lai.

Dừng cơn tim nhanh trên thất

Có ba kỹ thuật và phương pháp điều trị chính để ngừng cơn tim nhanh trên thất do hội chứng WPW, bao gồm:

-  Bài tập Vagal: Người bệnh hít vào 1 hơi thật sâu, bịt mũi, ngậm miệng và cố gắng thở ra. Bài tập này kích thích vào dây thần kinh phế vị và làm chậm lại các tín hiệu điện tim.

-  Dùng thuốc: Thuốc tiêm adenosine thường được áp dụng khi người bệnh điều trị ở bệnh viện, sau khi thực hiện bài tập Vagal nhưng không có tác dụng.

-  Sốc tim: Dùng phương pháp sốc điện để loại bỏ các tín hiệu điện tim đang bị rối loạn.

Ngăn ngừa cơn tim nhanh trên thất tái phát

Để phòng ngừa cơn tim nhanh trên thất tái phát do hội chứng Wolff-Parkinson-White, người bệnh cần:

-  Thay đổi lối sống: Hạn chế uống rượu bia, tập thể dục ở mức độ vừa phải sẽ giúp hạn chế các cơn tim nhanh trên thất tái phát.

-  Thuốc: Loại thuốc chống loạn nhịp tim như amiodarone giúp ngăn ngừa cơn tim nhanh tái phát do chúng có khả năng làm chậm các xung điện trong tim.

-  Đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần: Phương pháp này giúp loại bỏ đường nối điện phụ bẩm sinh trong tim, có tác dụng tốt với khoảng 95% các trường hợp mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo:

 

http://www.nhs.uk/Conditions/wolff-parkinson-white-syndrome/Pages/Introduction.aspx

BTV Lan Anh

Ninh Tâm Vương Giúp ổn định nhịp tim, giảm hồi hộp, trống ngực, bồn chồn, lo âu

Bình luận