Thuốc Aspirin có mặt trong đa số đơn thuốc của người bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, hoặc những đối tượng nguy cơ cao bị huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bởi aspirin có công dụng ngăn ngừa cục máu đông – thủ phạm gây tắc mạch hình thành. Mặc dù có lợi ích tuyệt vời như vậy nhưng loại thuốc này cũng mang lại nhiều rủi ro cho người sử dụng. Dù bạn đã dùng hay chưa được chỉ định aspirin thì cũng nên biết đến những tác dụng bất lợi của nó cùng với cách giảm thiểu nguy cơ gặp phải chúng ngay sau đây:

Phần I: Những lợi ích khi sử dụng aspirin trong điều trị bệnh tim mạch

Phần II: Những rủi ro khi sử dụng aspirin và biện pháp phòng tránh

Tác dụng phụ của thuốc aspirin

Những tác dụng bất lợi thường gặp nhất của aspirin cũng bắt nguồn từ cơ chế tác dụng chính của nó – chống kết tập tiểu cầu:

- Đột qụy do vỡ mạch máu não: Trong khi dùng aspirin hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ gây ra bởi cục máu đông, thì nó cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ não do xuất huyết, vỡ mạch máu. Bởi thuốc aspirin ảnh hưởng đến việc tự hồi phục của các mạch máu đã bị tổn thương trước đó.

- Xuất huyết dạ dày: Thông thường sẽ có một lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột khỏi tác động của dịch acid dạ dày. Sử dụng aspirin hàng ngày có thể từ từ làm mất đi các lớp bảo vệ này, dẫn đến loét và chảy máu dạ dày với biểu hiện sớm là đi ngoài phân đen, màu bã cà phê hoặc nôn ra máu. Và nếu bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiêu hóa đang có dấu hiệu tổn thương hoặc xuất huyết thì việc dùng aspirin sẽ gây chảy máu nhiều hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

- Dị ứng: Aspirin có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng nếu bạn bị dị ứng với thuốc này. Vì vậy hãy yêu cầu bác sỹ kiểm tra phản ứng dị ứng thuốc trước khi quyết định dùng lâu dài hoặc dùng liều cao.

 Thuoc-aspirin-co-the-gay-xuat-huyet-khi-dung-qua-lieu

Thuốc aspirin có thể gây xuất huyết khi dùng quá liều

Thuốc aspirin và những tương tác thường gặp

- Tương tác với các thuốc: Nếu bạn đã dùng thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin, Jantoven), apixaban (Eliquis), dabigatran (Pradaxa) hoặc rivaroxaban (Xarelto) để điều trị, thì khi kết hợp thêm aspirin có thể làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng xuất huyết nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người bệnh được chỉ định kết hợp thuốc chống đông khác với aspirin liều thấp và có được lợi ích trong điều trị, nhưng với điều kiện họ được giám sát chặt chẽ chỉ số đông máu INR.

Các loại thuốc khác khi dùng chung với aspirin cũng làm tăng nguy cơ chảy máu bao gồm: Heparin, Ibuprofen (Advil, Motrin IB) dùng thường xuyên, corticosteroid, clopidogrel (Plavix), thuốc chống trầm cảm (clomipramine, paroxetine),…

- Tương tác thực phẩm hoặc thảo dược: Một số thực phẩm bổ sung hoặc thảo dược cần thận trọng khi dùng cùng aspirin bao gồm: Qủa việt quất, capsaicin trong quả ớt, cây bạch quả, cây Kava, Đan sâm, acid béo omega-3 (dầu cá)…

Những lưu ý giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc aspirin

- Nếu bạn sử dụng aspirin và có các biểu hiện như bầm tím da, xuất hiện các đốm đỏ li ti, chảy máu chân răng, thời gian chảy máu dài hơn bình thường… hãy liên hệ ngay với bác sỹ điều trị để được kiểm tra chỉ số đông máu và điều chỉnh liều phù hợp.

- Nếu bạn đang dùng aspirin và bắt buộc phải phẫu thuật hoặc nhổ răng, hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng aspirin hàng ngày và liều lượng bao nhiêu. Nếu không, bạn có nguy cơ cao bị chảy máu quá nhiều trong quá trình phẫu thuật. Đồng thời, bạn cũng không nên tự ý ngưng dùng aspirin mà chưa trao đổi với bác sỹ điều trị.

- Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng cảnh báo rằng những người thường xuyên dùng aspirin nên hạn chế lượng cồn có trong rượu, bia mà họ uống do cồn làm loãng máu và ảnh hưởng xấu tới dạ dày. Nếu muốn sử dụng một chút rượu, bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ về số lượng và chủng loại rượu được dùng.

- Nếu bạn đang sử dụng aspirin và được chỉ định thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) như ibuprofen với một liều duy nhất: hãy uống sau khi dùng aspirin được 2 giờ. Nếu phải thường xuyên dùng ibuprofen hoặc các NSAID khác, hãy trao đổi với bác sĩ về liều dùng và thời gian dùng trong ngày mà không ảnh hưởng đến liệu pháp aspirin cũng như giảm thiểu nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.

 Can-than-trong-khi-su-dung-aspirin-cung-voi-NSAIDs

Cần thận trọng khi sử dụng aspirin cùng với NSAIDs

- Nếu bạn dùng aspirin hàng ngày, đừng tự ý uống aspirin khi gặp phải cơn đau tim: Nếu bạn có những triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim, hãy gọi ngay số 115 để được cấp cứu kịp thời. Đừng trì hoãn nhờ giúp đỡ, bởi việc nhai viên aspirin sẽ không cứu sống được bạn trong cơn đau tim, mặc dù một số bác sỹ có thể khuyên bạn nhai aspirin trong cơn đau tim cấp.

Và điều quan trọng nhất trong điều trị dự phòng huyết khối cho người bệnh tim mạch, mạch vành, người có nguy cơ cao bị đột quỵ bằng thuốc aspirin là cá thể hóa điều trị. Tức là mỗi người bệnh cần được đánh giá yếu tố nguy cơ hoặc bệnh gây chảy máu, tình trạng xuất huyết tiềm ẩn, tuổi tác, nguy cơ dị ứng thuốc… trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc aspirin.

Bạn hãy nhớ rằng thuốc aspirin không phải là thần dược với người bệnh tim mạch vì ngoài những lợi ích mà nó mang lại thì cũng có không ít tác dụng bất lợi. Hãy là người bệnh thông minh, trao đổi thật kỹ với bác sỹ cũng như tuân thủ điều trị để dùng thuốc một cách hiệu quả, vừa giảm được nguy cơ huyết khối lẫn tác dụng phụ của thuốc.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/daily-aspirin-therapy/art-20046797?pg=2

https://sciencebasedmedicine.org/aspirin-risks-and-benefits/

BTV Lan Anh

Ninh Tâm Vương Giúp ổn định nhịp tim, giảm hồi hộp, trống ngực, bồn chồn, lo âu

Bình luận