Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson thường rất khó chẩn đoán chính xác trong giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do chúng đều xuất hiện các triệu chứng run rẩy, cứng đờ, chậm chạp, đồng thời quá trình phát triển cũng tương tự nhau. Cho đến nay, vẫn chưa có một xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh não bộ nào giúp phân biệt chính xác được hai dạng bệnh này. Tuy nhiên nắm bắt được một số dấu hiệu điển hình sẽ giúp bác sỹ có thể nhận diện đúng và lựa chọn được giải pháp điều trị tối ưu cho người bệnh.

Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson xảy ra khi có sự rối loạn của hệ thống thần kinh vùng vận động, nguyên nhân chính là do thiếu hụt Dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ kiểm soát cử động và phối hợp của các cơ bắp trong cơ thể. Trong khi đó, hội chứng Parkinson xuất hiện do một nhóm các nguyên nhân khác nhau có liên quan đến sự tổn thương não bộ, làm xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson.

Theo thống kê cho thấy, có đến một phần tư dân số Mỹ gặp phải tình trạng rối loạn vận động không điển hình nhưng thực tế chỉ có khoảng 1 triệu người mắc bệnh Parkinson, số còn lại đa phần bị chẩn đoán nhầm với căn bệnh này hoặc được xếp vào hội chứng Parkinson. Với những trường hợp này thì tiên lượng bệnh của họ thường nặng nề hơn, đặc trưng bởi sự suy giảm nhanh chóng về chức năng não bộ và rút ngắn về tuổi thọ. “Tuy bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson đều liên quan đến sự mất mát của các tế bào thần kinh vùng hạch nền của não bộ, nhưng trong hội chứng Parkinson thì sự thoái hóa này diễn ra sâu rộng hơn và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của não” –  Nikolaus McFarland, Trợ lý giáo sư thần kinh học của trường Đại học Y Dược Florida, Mỹ cho biết.


Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson có thể bị chẩn đoán nhầm

Giảm biểu cảm trên khuôn mặt, chậm chạp hay run rẩy trong vận động là một trong những dấu hiệu nhận biết của bệnh Parkinson - nhưng thực tế lại không phải vậy. Rất nhiều người đã phải quay trở lại bệnh viện tái khám mặc dù trước đó họ được chẩn đoán và chỉ định sử dụng thuốc điều trị Pakinson nhưng không hề có hiệu quả.

Bệnh Parkinson thực sự thường có bốn đặc tính chủ yếu để phân biệt, đó là run khi nghỉ (run sẽ giảm đi hoặc biến mất khi di chuyển, vận động), cứng đờ, chậm vận động và có dáng đi bất thường. Vì vậy, nếu các triệu chứng gặp phải không giống với mô tả ở trên, người bệnh có thể chủ động hỏi ý kiến của bác sỹ để có hướng điều trị thích hợp.

Nguyên nhân làm xuất hiện bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh Parkinson hay còn gọi là Pakinson vô căn, tuy nhiên cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, có lẽ bệnh khởi phát là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống, đặc biệt là những nơi chứa nhiều thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Trong khi đó, nguyên nhân gây hội chứng Pakinson thì khá đa dạng, chia thành nhiều thể khác nhau:

- Hội chứng Parkinson mạch máu (vascular parkinsonism) được coi là một trong những dạng không điển hình của Parkinson và cũng là hội chứng dễ nhận biết nhất, xảy ra khi các động mạch nhỏ trong não bị xơ vữa hoặc cục máu đông làm tắc mạch gây ra những cơn đột quỵ nhẹ, làm mất khả năng kiểm soát vận động, khó nói, khó biểu lộ nét mặt hoặc nuốt, đôi khi còn rối loạn về nhận thức, trí nhớ,…

- Sa sút trí tuệ - mất trí nhớ thực thể (Lewy body disease): Đặc trưng bởi sự xuất hiện sớm của chứng mất trí nhớ, rối loạn chức năng nhận thức, sự tập trung, chú ý, ngôn ngữ và khả năng thực hiện những hành động đơn giản. Người bệnh cũng có thể bị ảo giác đồng thời triệu chứng bệnh cũng sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị.

- Liệt trên nhân tiến triển (Progressive supranuclear palsy): Tổn thương một phần của não bộ khiến người bệnh sớm bị mất trí nhớ, giảm khả năng chuyển động của mắt. Tuy không có dấu hiệu run khi nghỉ điển hình như bệnh Parkinson nhưng chân tay họ lại bị cứng đờ, chậm chạp và không đáp ứng với liệu pháp thay thế Dopamine.

 

Những tổn thương não bộ có thể là nguyên nhân gây hội chứng Parkinson

- Thoái hóa hạch nền - vỏ não (Corticobasal degeneration): Là dạng hiếm gặp nhất, người bệnh thường bị mất chức năng một bên của cơ thể, chân tay phát triển dài hơn, hạn chế về ngôn ngữ, lời nói và cơ thể bị giật khi vận động.

- Thoái hóa đa hệ thống (Multiple system atrophy): Những người bị tình trạng này thường phát sinh các vấn đề trong việc phối hợp động tác. Một số triệu chứng thường gặp như rối loạn chức năng ruột, bàng quang, bí tiểu, đôi khi bị tụt huyết áp khi đứng dẫn tới ngất xỉu, đàn ông có thể bị rối loạn chức năng cương dương,...

- Hội chứng Parkinson do thuốc: một số loại thuốc an thần kinh trong điều trị chứng rối loạn tâm thần, thuốc chống nôn, thuốc kháng động kinh,… có thể gây tác dụng phụ, làm mất kiểm soát vận động như bệnh Parkinson. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Biện pháp giúp phân biệt bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson

Để phân biệt được rõ ràng giữa bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson là một điều rất khó khăn, và việc chẩn đoán đúng bệnh thường chỉ được thực hiện cho đến khi các triệu chứng đã ở giai đoạn tiến triển nặng. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn có thể đánh giá mức độ và tình trạng bệnh dựa vào việc khai thác tiền sử của bệnh nhân cùng các kết quả lâm sàng sau khi tiến hành một số xét nghiệm chẩn đoán. Cụ thể như sau:

- Khai thác tiền sử: Bệnh nhân cần khai báo một cách trung thực, tỉ mỉ, chính xác những triệu chứng mà họ đã và đang gặp phải, cũng như loại thuốc hiện đang còn sử dụng hay tiền sử gia đình có ai bị bệnh tương tự hay không.

- Kiểm tra vận động của cơ thể: bằng cách yêu cầu bệnh nhân ngồi xuống, đứng lên, đi lại, giơ tay chân ra phía trước hoặc lên cao, xuống thấp. Người bệnh bị nghi ngờ bệnh Parkinson khi có ít nhất hai trong số các triệu chứng được miêu tả trước đó là run tay chân khi thả lỏng nghỉ ngơi, khó khăn trong vận động, cứng đờ và bất thường trong dáng đi.

- Quét não MRI: được xem là có hiệu quả trong việc xác định điểm khác biệt nổi bật giữa từng thể bệnh bởi nó cho thấy sự phân bố bất thường của nồng độ Dopamin trong não. McFarland nhận định: “Trong bệnh Parkinson chúng ta sẽ biết được chính xác vị trí não bị thoái hóa, còn đối với hội chứng Parkinson thì não bộ thường bị tổn thương trên diện rộng”. Ông cũng cho biết thêm, việc xác định mô hình chung của sự rối loạn chức năng tương ứng với vùng não bị tổn thương giữa bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson cũng có thể giúp phát hiện ra bệnh ngay từ giai đoạn sớm.

- Chẩn đoán phân biệt chính xác bệnh Parkinson bằng cách thử thuốc: Levodopa - tiền thân của Dopamine sẽ được cân nhắc sử dụng, sau đó theo dõi quá trình đáp ứng của người bệnh với thuốc trong một thời gian quy định. Nếu bệnh nhân bị Parkinson, chắc chắn trong giai đoạn đầu họ sẽ đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị trong khi hội chứng Parkinson thì ngược lại, biện pháp dùng thuốc gần như không giúp cải thiện được tình trạng bệnh.

Việc chẩn đoán phân biệt và lựa chọn đúng phác đồ điều trị giữa bệnh Parkinson với hội chứng Parkinson tuy còn nhiều khó khăn và phức tạp, tuy nhiên với sự phát triển của khoa học hiện đại cùng những kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chắc chắn rằng các bác sĩ sẽ có những biện pháp đúng đắn và phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể, nhằm hướng đến mục tiêu mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người bệnh.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Theo nguồn:
http://health.usnews.com
http://www.nytimes.com
http://www.parkinsons.org.uk
BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận