Cả đái tháo đường type 1 và type 2 về bản chất đều xảy ra khi đường máu tăng cao do không được vận chuyển vào tế bào, nên sẽ gây ra các triệu chứng tương tự nhau. Nhưng vì sự thiếu hụt insulin – hormon chuyển hóa đường ở hai type là khác nhau nên thời gian và cách thức mà các triệu chứng xuất hiện sẽ có sự khác biệt.

Hiểu rõ về các dấu hiệu khi mắc bệnh đái tháo đường là cách tốt nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Các triệu chứng thường gặp trong bệnh đái tháo đường

Mặc dù có nguyên nhân và cơ chế gây bệnh khác nhau nhưng đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 lại có một số dấu hiệu cảnh báo tương tự, bao gồm:

- Nhanh đói và mệt mỏi: Cơ thể chuyển đổi chất bột đường mà bạn ăn hàng ngày thành glucose (đường) để tế bào sử dụng làm năng lượng hoạt động. Tuy nhiên, glucose không tự đi vào trong tế bào được, mà phải nhờ tới insulin. Nếu tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin, hay tế bào không đáp ứng với insulin, thì cơ thể sẽ không có năng lượng. Điều này sẽ gây đói và mệt mỏi.

- Đi tiểu thường xuyên và khát nước liên tục: Bình thường, chúng ta tiểu tiện 4 – 7 lần mỗi ngày. Khi mắc bệnh đái tháo đường, nhu cầu đi tiểu sẽ cao hơn. Khi lượng glucose trong máu quá nhiều, cơ thể sẽ chỉ huy thận loại bỏ một phần glucose qua nước tiểu. Lượng đường trong máu càng cao, nhu cầu tiểu tiện càng nhiều. Tiểu tiện nhiều lần trong ngày khiến cơ thể bị mất nước, đòi hỏi người bệnh phải uống nước để bù đắp lại. Ngược lại, khi uống nhiều nước, bạn sẽ buồn đi tiểu tiện nhiều hơn.

- Giảm cân ngoài ý muốn: Vì cơ thể không nhận được năng lượng từ thức ăn (glucose), nó sẽ đốt cháy cơ và chất béo để tạo năng lượng thay thế. Người bệnh đái tháo đường có thể bị sút cân ngay cả khi ăn nhiều hơn.

- Khô miệng và ngứa da: Vì cơ thể bị mất nước do đi tiểu nhiều lần nên miệng và da sẽ bị khô. Da khô thường gây ngứa.

- Mờ mắt: Đường huyết tăng cao sẽ có xu hướng kéo nước vào lòng mạch để pha loãng máu, làm thay đổi kích thước của thủy tinh thể, do đó gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, làm mờ mắt. Tuy nhiên khi đường huyết trở về bình thường, vấn đề này sẽ được giải quyết.


Tieu-nhieu-khat-nhieu-la-trieu-chung-dac-trung-cua-benh-tieu-duong

Tiểu nhiều, khát nhiều là triệu chứng đặc trưng của bệnh tiểu đường

Chỉ bằng một vài phương pháp xét nghiệm đơn giản, bạn sẽ biết chắc chắn mình có bị bệnh đái tháo đường hay không. Cho nên khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, dù là mơ hồ nhưng đừng chần chừ trong việc đi khám.

Các triệu chứng khác của bệnh đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 gây ra các triệu chứng đa dạng hơn so với type 1, do ở dạng này đường huyết thường tăng cao kéo dài trong nhiều năm mới được phát hiện. Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp, biến chứng đái tháo đường lại chính là triệu chứng giúp họ nhận biết mình bị bệnh.

- Nhiễm trùng nấm men: cả nam giới và phụ nữ mắc đái tháo đường đều có thể bị nhiễm nấm, do đường máu cao là môi trường rất thuận lợi để nấm sinh sôi. Nhiễm trùng nấm men có thể xuất hiện ở các vùng da ấm và ẩm như các kẽ ngón tay/ngón chân, dưới ngực, hoặc xung quanh bộ phận sinh dục.

- Các vết loét, vết thương chậm lành: đường huyết tăng cao kéo dài qua nhiều năm có thể làm tổn thương mạch máu và các tế bào thần kinh, khiến cơ thể gặp khó khăn trong quá trình chữa lành vết thương. Đồng thời, môi trường đường máu cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến cho vết thương chậm lành.

- Đau hoặc tê bàn chân: Đây là dấu hiệu của biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng phổ biến và thường xuất sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường. Có tới 50 - 60% người bệnh đái tháo đường mắc biến chứng thần kinh ngay tại thời điểm chẩn đoán bệnh.



Dau-hoac-te-bi-ban-chan-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-dai-thao-duong-type-2

Đau hoặc tê bì bàn chân có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 2

Sự khác biệt của triệu chứng đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Bên cạnh các triệu chứng chung, đái tháo đường type 1 còn có thể gây:

- Buồn nôn và ói mửa: Quá trình đốt cháy chất béo để tạo năng lượng thay thế khi không có đường sẽ tạo ra các ceton, chúng sẽ tích tụ dần trong máu, khi đến một mức độ nhất định, nó sẽ gây nhiễm toan ceton – biến chứng cấp tính đe dọa đến tính mạng. Ceton còn làm dạ dày bị kích thích, gây buồn nôn và ói mửa.

- Thay đổi trên da: Một số biểu hiện bất thường trên da cũng có thể là biến chứng của tiểu đường typ 1, nhưng chúng thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh khác, như u vàng phát ban, bạch biến, xơ cứng ngón tay.

Nếu bạn đã ngoài 45 tuổi hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, bạn nên đi khám định kỳ. Bạn nên đi bệnh viện ngay nếu thấy mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, thở sâu và nhanh hơn so với bình thường, hơi thở có mùi trái cây lên men (đây là dấu hiệu nhiễm toan ceton),… Bệnh đái tháo đường nếu phát hiện sớm và điều trị sớm có thể tránh được tổn thương thần kinh, bệnh tim, và các biến chứng khác.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn: http://www.webmd.com
BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận