Biến chứng trên da trong bệnh tiểu đường là do các mạch máu cung cấp máu cho da bị tổn thương: Bệnh teo da, phổng rộp, u mỡ vàng nổi, xơ cứng ngón tay.

Bệnh nhân đái tháo đường có thể có nhiều tổn thương da khác biệt so với người không mắc đái tháo đường. Nhiều vấn đề da ở bệnh nhân đái tháo đường là do các mạch máu cung cấp máu cho da bị tổn thương.

Bệnh teo da đái tháo đường (diabetic dermopathy) là một trong những hệ quả tổn thương này: thường trên da ở vùng cẳng chân có những nốt hình tròn hoặc hình oval, màu nâu sáng, có thể có đốm vảy. Những đốm vảy này không đau, không chảy dịch và không ngứa. Bệnh teo da đái tháo đường không có hại gì nên không cần phải điều trị.

Bệnh teo da do tiểu đường

Bệnh teo da do tiểu đường

Hoại tử da dạng mỡ đái tháo đường (Necrobiosis lipoidica diabeticorum) có tổn thương tương tự như bệnh teo da đái tháo đường. Các nốt ít hơn nhưng rộng và sâu hơn. Đầu tiên trên da xuất hiện nốt đục mờ. Sau đó trông như là vết sẹo với rìa màu đỏ tía. Những nốt này có thể ngứa, đau và bị nứt ra. Các mạch máu có thể được nhìn thấy qua lớp da mỏng. Tuy nhiên, những tổn thương dạng này ít gặp. Phụ nữ trưởng thành bị nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở lứa tuổi rất trẻ. Khi da vẫn chưa bị nứt thì không cần điều trị. Nhưng nếu vết thương bị nứt vỡ và đau thì cần phải tới khám bác sỹ ngay.

Sau nhiều năm mắc bệnh đái tháo đường, mạch máu bị dày lên (hay còn gọi là xơ vữa mạch máu). Sự tưới máu cho da bị giảm sút dẫn đến một số thay đổi trên da như: da bị mỏng đi, sáng màu, rụng lông và sờ vào thấy lạnh. Móng tay, móng chân dày. Cảm giác lạnh ngón chân. Khi đi lại kể cả với khoảng cách ngắn cũng thấy đau chân. Sự thiếu máu khiến cho các vết thương lâu lành, kể cả những tổn thương rất nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn nặng nếu không điều trị sớm.

Phỏng rộp đái tháo đường (bullosis diabeticorum), trông giống như là vết phỏng rộp do bị bỏng. Các vết phỏng rộp thường lớn, không bị đau và không có biểu hiện viêm tấy đỏ. Chúng thường xuất hiện ở mặt lưng của ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân. Đôi khi vết phỏng giộp xuất hiện ở cẳng tay, cẳng chân. Thông thường các vết phỏng rộp này sẽ lành sau khoảng 3 tuần và không để lại sẹo (nếu không bị nhiễm khuẩn). Những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh do đái tháo đường hay bị mắc tổn thương này

Biểu hiện u mỡ vàng nổi do tiểu đường

Biểu hiện u mỡ vàng nổi do tiểu đường

Nếu trên da nổi những hạt cứng chắc cỡ hạt đậu, màu vàng là tổn thương u mỡ vàng nổi (eruptive xanthomatosis). Những nốt u này có thể có quầng màu đỏ xung quanh và có thể ngứa. Chúng thường xuất hiện ở phần lưng tay, mu chân, cẳng chân và hông. Nam giới trẻ mắc đái tháo đường type1 thường hay mắc tổn thương u mỡ vàng dạng này. Khi xét nghiệm mỡ máu và cholesterol máu thường rất cao, chứng tỏ đường máu được điều chỉnh không tốt. Nếu đường máu ổn định tốt, các u mỡ vàng này sẽ biến mất.

Biến chứng xơ cứng ngón tay do tiểu đường

Biến chứng xơ cứng ngón tay do tiểu đường

Chứng xơ cứng ngón tay (digital sclerosis) gặp 1/3 số bệnh nhân mắc đái tháo đường type1: da tay dày và bó sát. Mu bàn tay trông như sáp, da ngón chân dày. Ngón tay bị cứng và mất đi một số cử động. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khớp cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu tay cũng có thể bị cứng lại.

Theo Sức khỏe & Đời sống

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận