Tiểu đường được xếp vào nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, như biến chứng thần kinh, mạch máu, mắt, thận… Ước tính năm 2013, có gần 382 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, chiếm khoảng 5,7% dân số thế giới. Trong đó, mỗi năm có đến 5 triệu người tử vong vì biến chứng tiểu đường. Tiểu đường là căn bệnh mạn tính gây ảnh hưởng xấu đến hàng trăm triệu người trên thế giới và là thách thức lớn đối với y học hiện đại. Tự trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh tiểu đường để chủ động phòng ngừa cũng như điều trị bệnh là điều các bác sĩ luôn mong muốn người bệnh thực hiện.

1. Tiểu đường là bệnh gì?

Tiểu đường (Diabetes) là một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin, hoặc khi cơ thể không thực hiện tốt việc sử dụng insulin. Insulin là một hormone do tuyến tụy sản xuất, có vai trò vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào trong cơ thể để tạo ra năng lượng. Cơ thể không có khả năng sản xuất insulin hoặc sử dụng nó một cách không hiệu quả dẫn đến nồng độ glucose tăng lên trong máu (tăng đường huyết). Tăng đường huyết kéo dài sẽ làm rối loạn tính thẩm thấu của mạch máu và quá trình trao đổi chất, từ đó gây nên các tổn thương và sự suy yếu của nhiều cơ quan.

Hiện bệnh tiểu đường đang được phân thành 3 loại chính dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Ở mỗi loại tiểu đường sẽ có các nhóm đối tượng bệnh khác nhau:

Tiểu đường typ 1

Những người mắc tiểu đường typ 1 không thể tự sản xuất hoặc sản xuất rất ít Insulin. Đây là tình trạng thiếu Insulin tuyệt đối, chiếm khoảng 10% các trường hợp tiểu đường, với nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Bệnh khởi phát từ khi còn nhỏ, thường bắt đầu ở tuổi dưới 30 và không liên quan đến thể chất. Đối với người mắc bệnh tiểu đường typ 1 buộc phải điều trị bằng Insulin suốt đời, bên cạnh đó cũng cần cân bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng tiểu đường.

Tiểu đường typ 2

Khoảng 90% các trường hợp tiểu đường là tiểu đường typ 2. Ở tiểu đường typ 2, cơ thể vẫn sản xuất ra Insulin, nhưng lượng Insulin không đủ để vận chuyển glucose vào tế bào hoặc xảy ra tình trạng kháng Insulin làm đường máu tăng cao hoặc có sự kết hợp của cả 2 tình trạng này.

Tiểu đường typ 2 thường xảy ra ở người cao tuổi, người thừa cân, ít vận động, béo phì. Gần đây độ tuổi trung bình được chẩn đoán tiểu đường typ 2 đang trẻ hóa dần. Bệnh thường không được phát hiện cho đến khi xảy ra một biến chứng hoặc kiểm tra đường huyết hay đường niệu thường xuyên. Giai đoạn đầu, bệnh có thể kiểm soát nhờ chế độ ăn uống hợp lí và tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên, về lâu dài, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị dùng đường uống và/hoặc tiêm insulin.

Tiểu đường thai kỳ

Đây là loại tiểu đường xảy ra ở 1 trong 25 phụ nữ trong thời gian mang thai. Ở giai đoạn này, do nhu cầu cao về dinh dưỡng nên các mẹ bầu thường xuyên cung cấp cho cơ thể các thực phẩm giàu đường, tinh bột. Lâu dần, lượng Insulin sản xuất không còn đủ để vận chuyển hết đường máu vào tế bào, dẫn đến tình trạng đường máu cao. Chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ được thực hiện chỉ trong thời gian mang thai. Bệnh thường tự khỏi sau giai đoạn mang thai nhưng có thể gây ra các biên chứng và nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2 sau này cho cả mẹ và bé. Phần lớn bệnh nhân tiểu đường thai kì có thể kiểm soát đường huyết nhờ tập thể dục và chế độ ăn uống hợp lí, khoảng 10 – 20% bệnh nhân cần sử dụng thuốc.

2. Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Trong khi tiểu đường typ 1 bệnh khởi phát và biểu hiện đột ngột thì bệnh tiểu đường typ 2 thường phát triển âm thầm, ít có các triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường mà bạn cần chú ý bao gồm: ăn nhiều (hay có cảm giác đói), uống nhiều (nhanh khát nước), tiểu nhiều (đi tiểu thường xuyên), gầy sút nhanh. Bên cạnh đó, một số triệu chứng sau cũng có thể gặp phải như: hay mệt mỏi cáu gắt; mờ mắt; ngứa da; các vết thương khó lành, dễ nhiễm trùng; suy giảm tình dục ở nam giới.

Quản lý kém bệnh tiểu đường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Quản lý kém bệnh tiểu đường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị và quản lý bệnh đúng cách, tiểu đường dễ dàng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh Các biến chứng bao gồm: biến chứng mắt (giảm thị lực, giảm nhạy cảm ánh sang, mù), nhiễm trùng bàn chân nếu không điều trị có thể dẫn đến cắt bỏ bàn chân, suy thận, các vấn đề thần kinh, các vấn đề về tim mạch (tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ) hoặc suy giảm chức năng tình dục ở cả nam và nữ. Chính những biến chứng này sẽ gây suy giảm nghiêm trọng sức khỏe người bệnh, tệ hơn có thể dẫn đến tử vong.

Người bệnh cần lưu ý: thống kê cho thấy có đến hơn 50% các trường hợp biến chứng bắt đầu khởi phát ngay trong giai đoạn tiền tiểu đường (đường huyết và chỉ số HbA1c cao liên tục nhưng người bệnh vẫn chưa được chẩn đoán tiểu đường). Kiểm soát đường huyết, cân bằng dinh dưỡng ngay từ giai đoạn này là điều người bệnh cần làm để ngăn ngừa bệnh phát triển thành tiểu đường và cải thiện biến chứng.

3. Phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?

Để phòng ngừa cũng như điều trị bệnh tiểu đường, việc cần làm là phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên.  Lưu ý các chỉ số như đường huyết và đặc biệt là chỉ số HbA1c, chỉ số được dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường và kiểm soát biến chứng.

Béo phì, thừa cân, ít vận động và tiền sử gia đình có người bệnh tiểu đường là những nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh. Nếu bạn thuộc một trong các nhóm này, việc cần làm là lên ngay một kế hoạch điều chỉnh lại chế độ ăn khoa học và tăng cường vận động, luyện tập thể dục, nhằm ngăn ngừa tiểu đường typ 2.

Bên cạnh đó, đối với điều trị bệnh tiểu đường, việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là điều bắt buộc người bệnh phải tuân thủ. Đồng thời kết hợp chế độ ăn uống, vận động hợp lý sẽ giúp thoái lui bệnh và quản lý tốt tiểu đường. Ở cả bệnh tiểu đường typ 1 và typ 2, người bệnh có thể tham khảo sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như thực phẩm chức năng, trà thảo dược,… Đây là những sản phẩm khi dùng kết hợp trong trị bệnh sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và thậm chí giảm được nhiều tác dụng phụ của thuốc tân dược.

Dù tiểu đường là bệnh mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu bạn có đủ kiến thức về tiểu đường và biết cách chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh, thì bệnh tiểu đường thật sự không còn đáng sợ nữa.

Tú Trinh

Nguồn tham khảo:

http://www.medicalnewstoday.com
http://www.nytimes.com
http://www.idf.org
BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận