Bệnh đái tháo đường thai kỳ chỉ phát triển trong thời gian mang thai, tự khỏi sau khi sinh nở nhưng cũng khiến một số lượng không nhỏ chị em phụ nữ bị mắc đái tháo đường type 2 sau sinh con.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ (Gestational diabetes) là bệnh đái tháo đường khởi phát hoặc được chẩn đoán trong thời gian mang thai của phụ nữ. Trên toàn thế giới, cứ 25 ca mang thai xuất hiện 1 trường hợp đái tháo đường thai kỳ. Bệnh thường tự khỏi sau khi sinh nhưng gây nguy cơ lớn mắc tiểu đường type 2 sau này cho cả mẹ và bé. Khoảng 50% số phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ tiếp tục mắc bị đái tháo đường type 2 trong vòng 5-10 năm sau khi phát hiện bệnh.

Mẹ bầu cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ

Mẹ bầu cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ, lượng đường trong máu quá cao do cơ thể có những thay đổi về hormon,  đồng thời chị em sắp sinh nở có một chế độ ăn giàu tinh bột và năng lượng. Khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, các bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn các thông tin về bệnh đái tháo đường, lập một kế hoạch thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng để giúp kiểm soát đường huyết trong ngưỡng an toàn. Điều này rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé..

Vì đâu mắc đái tháo đường thai kỳ?

Đái tháo đường thai kỳ cũng tương tự như đái tháo đường type 2: Tuyến tụy không thể sản xuất đủ hormon insulin để điều hòa lượng đường trong máu do một số hormon trong giai đoạn thai kỳ cản trở hoạt động của Insulin. Điều này khiến cơ thể cần gấp 3 – 4 lần lượng Insulin so với thông thường để đảm bảo vận chuyển glucose trong máu vào các cơ quan, tình trạng này gọi là kháng Insulin. Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhu cầu tinh bột và đường của mẹ là rất lớn khiến lượng đường được đưa vào máu tăng lên cũng là nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ.

Mẹ bầu có nhu cầu về insulin tăng cao hơn bình thường

Mẹ bầu có nhu cầu về insulin tăng cao hơn bình thường

Nếu mẹ bầu có các yếu tố dưới đây, hãy thường xuyên theo dõi đường huyết của mình vì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ là rất lớn:

•    Thừa cân

•    Mắc đái tháo đường trước thai kỳ

•    Có cha mẹ, anh chị em bị bệnh đái tháo đường type 2

•    Mắc tiền đái tháo đường, có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để chẩn đoán bệnh đái tháo đường

•    Đã sinh con nặng hơn 3,8kg hoặc có dị tật bẩm sinh

•    Mắc hội chứng buồng trứng đa nang

•    Có quá nhiều nước ối

•    Huyết áp cao.

Nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và bé do đái tháo đường thai kỳ

*Đối với người mẹ mang thai

Mẹ bầu có nguy cơ mắc tiền sản giật và tăng huyết áp trong nửa cuối của thai kỳ do tác động của đái tháo đường thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, tai biến sản khoa có thể gây ra các trường hợp tử vong đáng tiếc. Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể sẽ trở lại khi mang thai ở lần tiếp theo và nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 sau này.

Đái tháo đường thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khiến mẹ bầu cảm thấy lo lắng, mệt mỏi. Lúc này, người thân, chuyên gia y tế và thậm chí cả bác sỹ tâm lý cần hỗ trợ tốt nhất để giúp chị em đối phó với giai đoạn khó khăn này.

*Đối với thai nhi

Đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện cuối giai đoạn mang thai, sau khi hình thái cơ thể bé đã hình thành do đó bệnh không gây ra các dị tật bẩm sinh cho bé.

Tuy nhiên, lượng đường trong máu của người mẹ quá cao và đi qua nhau thai nhưng Insulin thì không qua nhau thai khiến thai nhi cũng nhận một lượng đường lớn và tích trữ đường dưới dạng mỡ. Đái tháo đường thai kỳ không được điều trị sớm hoặc không kiểm soát được có thể khiến cho thai nhi:

-    Cân nặng khi sinh quá lớn, còn được gọi là macrosomia, khiến sinh nở khó khăn, nguy cơ tai biến khi sinh là rất lớn

-    Hạ đường huyết ngay sau khi chào đời

-    Mắc hội chứng suy hô hấp

-    Mắc chứng vàng da sau khi sinh.

-    Nguy cơ tử vong cao

-    Thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường typ 2 khi lớn lên.

Mang thai là một giai đoạn nhạy cảm của người phụ nữ. Hiểu về tiểu đường thai kỳ sẽ giúp bạn tự tin trải qua 9 tháng mang thai mà không phải băn khoăn với nỗi lo tiểu đường, để sinh con được vuông tròn và yên tâm với sức khoẻ của cả mẹ và con sau này.

Biên tập viên sức khỏe

Tham khảo:
http://www.mayoclinic.org
http://www.nytimes.com
http://www.diabetes.org
http://www.idf.org
BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận