Áp xe gan là sự tích tụ mủ trong gan tạo thành một hoặc nhiều ổ mủ rải rác, thường có hai loại áp xe gan: áp xe gan do amip (không phạm vào đường mật) và áp xe gan do vi trùng (áp xe gan -đường mật). Áp xe gan - đường mật là bệnh cảnh khá phổ biến, đồng thời là một bệnh cấp cứu về tiêu hóa, thường do sỏi mật và giun đũa gây nên. Bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để phòng những biến chứng xấu có thể dẫn tới tử vong.

Sỏi mật và biến chứng áp xe gan - đường mật

Trong điều kiện bình thường, dòng chảy của dịch mật được lưu thông trong đường mật không có vi khuẩn hoặc số lượng vi khuẩn rất ít không đủ để gây bệnh.

Khi đường mật có sỏi, sỏi sẽ gây tắc nghẽn, ứ trệ và tăng áp lực dịch mật, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn đi ngược dòng và xâm nhập gây nhiễm khuẩn đường mật, tạo mủ và hình thành ổ áp xe gan mật.
 

Ap-xe-gan-duong-mat

Triệu chứng của áp xe gan - đường mật

Bệnh thường khởi phát đột ngột, tự nhiên xảy ra mà không có một dấu hiệu nào báo trước hoặc có thể xuất hiện sau khi ăn nhiều dầu mỡ; với các biểu hiện như đau, sốt, vàng da, vàng mắt. Có thể kèm theo dấu hiệu tổn thương túi mật với các biểu hiện như túi mật to, đau, tổn thương đường mật ngoài gan, viêm ống mật chủ và triệu chứng của tụy.

Nếu không được điều trị hoặc không đáp ứng sẽ chuyển thành giai đoạn áp xe gan mật quản (thường vào tuần thứ hai), với triệu chứng nhiễm khuẩn ngày càng nặng với sốt cao kèm rét run. Tắc mật ngày càng nhiều với vàng da, vàng mắt đậm. Gan to nhanh rất đau, có điểm đau khu trú nhiều chỗ. Ngoài ra còn có thể có túi mật to, đau hoặc dấu hiệu tổn thương ống mật chủ, tụy.

Chẩn đoán áp xe gan - đường mật

Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng như trên kết hợp với xét nghiệm máu (bạch cầu tăng cao, tăng bilirubin trực tiếp, phosphatase kiềm tăng, GGT và men ALAT, ASAT có thể tăng) và quan trọng là các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính.

Ở đây siêu âm rất có giá trị để phát hiện số lượng và vị trí các ổ áp xe đồng thời giúp phát hiện nguyên nhân như giun, sỏi, thương tổn các cơ quan khác như đường mật và túi mật. CT scanner cũng cho kết quả tương tự.

Chụp và nội soi đường mật ngược dòng cũng là một nghiệm pháp có giá trị cao. Ngoài ý nghĩa chẩn đoán trong trường hợp siêu âm cho kết quả đường mật âm tính còn là một biện pháp hữu hiệu để điều trị nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật do sỏi hoặc do giun.

Biến chứng của áp xe gan - đường mật

Biến chứng của áp xe gan - đường mật thường nhiều và nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Nhiễm trùng huyết: Biến chứng thường gặp và nặng nề nhất là nhiễm trùng huyết với các biểu hiện như sốt cao liên tục 39 – 40oC, kèm rét run, tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm độc nặng. Gan to rất đau, tắc mật nặng không đáp ứng với điều trị.

- Hội chứng gan thận: Do nhiễm khuẩn và tắc mật nặng, do bilirubin máu quá cao gây tắc ống thận.

- Tràn dịch màng phổi và màng tim, viêm tụy cấp: Có thể là một bệnh cảnh đi kèm.

- Xơ gan mật: Đây là một biến chứng lâu dài sau nhiều đợt viêm nhiễm làm hoại tử xơ hóa gan mật.

- Vỡ ổ áp xe: Vỡ ổ áp xe vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể.

- Chảy máu đường mật: Đây là một biến chứng phối hợp do cơ học và viêm nhiễm thường nặng nề với nôn ra máu hình thỏi bút chì, bệnh cảnh xuất huyết nội tạng gây choáng phối hợp xuất huyết và nhiễm khuẩn.

Điều trị áp xe gan - đường mật như thế nào?

Đây là bệnh cảnh nặng, ngoài nhiễm khuẩn còn kèm nhiễm độc và biến chứng ngoại khoa, do đó cần đặt trong bối cảnh điều trị nội ngoại khoa và hồi sức cấp cứu. Nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước và điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như Nospa hay Sparmaverin. Thường sử dụng các kháng sinh có phổ tác dụng trên vi khuẩn gram âm như Quinolon thế hệ 2. Trong trường hợp bệnh nặng cần sử dụng phối hợp kháng sinh và dùng bằng đường tiêm, thường phối hợp thêm Cephalosporin thế hệ 3 như Cefotaxim, Ceftriazon hoặc Cefuroxim. Ngoài ra cần chú ý đến nhiễm các vi khuẩn kị khí, do đó cần phối hợp thêm Metronidazol hoặc Clindamycin.

Điều trị ngoại khoa khó thực hiện vì bệnh nhân đau trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng có thể có choáng, hơn nữa ở đây có nhiều ổ áp xe kích thước nhỏ có thể nằm sâu khó phát hiện hoặc loại bỏ. Nói chung phẫu thuật chủ yếu nhằm để loại bỏ các tắc nghẽn cơ học như giun hoặc sỏi.

Để dự phòng, cần duy trì một chế độ ăn uống bảo đảm vệ sinh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, định kỳ 6 tháng đến 1 năm tẩy giun một lần để hạn chế các yếu tố thuận lợi cho bệnh lý viêm nhiễm đường mật xảy ra. Nếu mắc sỏi mật cần phải có những biện pháp nhằm hạn chế sự ứ trệ dịch mật, khôi phục sự lưu thông của đường mật để phòng biến chứng.

ThS. Nguyễn Bạch Đằng

Theo Sức khỏe & Đời sống

BTV Lan Anh

Kim Đởm Khang Giúp làm mềm sạn sỏi và bài sỏi mật

Bình luận