Bệnh Parkinson thứ phát còn gọi là hội chứng Parkinson có nguyên nhân là do tổn thương não: Viêm não, chấn thương, đột quỵ, ảnh hưởng của một số thuốc điều trị...

Nguyên nhân

Bệnh Parkinson là một trong những rối loạn hệ thần kinh vận động phổ biến nhất hay gặp ở người cao tuổi.
Bệnh Parkinson xảy ra khi một nhóm tế bào thần kinh trong não bị thoái hóa gây ra thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamine giúp kiểm soát vận động cơ bắp. Nếu không có dopamine thì các tế bào thần kinh ở một phần của não bộ không thể truyền các tín hiệu điện năng đến tế bào thần kinh khác hoặc đến cơ quan vận động, gây nên các rối loạn vận động cơ.

Parkinson thứ phát hay còn gọi là hội chứng Parkinson

Parkinson thứ phát hay còn gọi là hội chứng Parkinson

Parkinson thứ phát có thể là hậu quả của các bệnh hoặc các tình trạng sau:

- Viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn nội sọ, đột quỵ não, chấn thương sọ não.

- Những thuốc làm hạ thấp nồng độ dopamin như: thuốc chống loạn thần (lithium, haloperidol, Chlorpromazine, Depakin), thuốc hạ áp (resecpin, aldomet), chống nôn (metoclopramide), thuốc chống trầm cảm,....

- Các bệnh toàn thân ảnh hưởng não như bệnh giáp trạng, cận giáp trạng, xơ gan, bệnh cận ung thư.

- Do ngộ độc thủy ngân và các hóa chất khác như: Lưu huỳnh, Cyanid, methanol, cồn,...

- Quá liều chất ma tuý.

Triệu chứng

Các triệu chứng thông thường bao gồm:

- Run khi nghỉ ngơi

- Cứng khớp

- Di chuyển chậm chạp
- Ngoài các triệu chứng trên còn xuất hiện một số triệu chứng như: Giảm biểu cảm trên khuôn mặt, khó khăn khi điều khiển cử động, tư thế không vững.

Nhầm lẫn, giảm trí nhớ cũng thường gặp phải ở những bệnh nhân Parkinson thứ cấp, thậm chí nhiều trường hợp có thể dẫn đến chứng mất trí.

Chẩn đoán

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Parkinson thứ phát sau khi kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và khai thác tiểu sử của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên các triệu chứng có thể khó khăn trong việc đánh giá, đặc biệt là ở người cao tuổi và ở giai đoạn sớm.

- Chẩn đoán ở giai đoạn sớm

Trước kia, chỉ cần có 2 trong 3 triệu chứng chính (run giật, cứng khớp và di chuyển chậm chạp) là đã có thể xác định chẩn đoán bệnh Parkinson. Những tiêu chuẩn này nếu đứng riêng rẽ sẽ sai lầm trong khoảng 25% trường hợp.

Những nghiên cứu khảo sát lại trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson cho thấy triệu chứng chính giúp chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson là run giật với tính chất không đối xứng (run chỉ xuất hiện ở 1 bên của cơ thể) và đáp ứng tốt với levodopa (Madopa).

Để gia tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác trong giai đoạn sớm, bệnh Parkinson cần thăm khám một cách đầy đủ hơn về các tính chất như chức năng vận động, khứu giác và tâm thần.

- Chẩn đoán ở giai đoạn muộn

Ở giai đoạn muộn của bệnh thì các triệu chứng thường rất điển hình, khó có thể nhầm lẫn. Biểu hiện di chuyển khó khăn và chậm chạp trở nên rõ ràng, hầu hết tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng run giật ở giai đoạn này. Chẩn đoán sẽ được xác định qua một bệnh sử đơn giản và khám lâm sàng hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, có thể những chẩn đoán hình ảnh (như MRI và CT Scan) cũng cần được thực hiện trên một số trường hợp để loại trừ những nguyên nhân khác.

Hiện kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính phát xạ (PET và SPECT ) là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có cả độ nhạy và độ đặc hiệu cao giúp xác định và phân biệt bệnh Parkinson, hội chứng Parkinson ở giai đoạn sớm nhất khi chưa có triệu chứng trên lâm sàng (tiền lâm sàng). Điều này rất có ý nghĩa với bệnh nhân Parkinson, do phần lớn người bệnh không thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi não bị mất trên 80% tế bào sản xuất dopamin. Kĩ thuật PET và SPECT sẽ giúp tầm soát sự thay đổi của dopamin trước khi bạn có triệu chứng.

Tuy nhiên nó vẫn không thể dùng để tiên đoán khả năng sự thay đổi trên có thể tiến triển thành bệnh Parkinson được hay không?

Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai gần sẽ có một phương tiện chẩn đoán hình ảnh đặc hiệu có khả năng tầm soát bệnh cả ở giai đoạn sớm và muộn tạo điều kiện giúp việc điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Điều trị

- Hội chứng Parkinson do thuốc: Các triệu chứng sẽ thuyên giảm khi thay đổi hoặc ngưng các thuốc đang điều trị. Tuy nhiên, cần cân nhắc lợi ích của thuốc với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thuốc chỉ nên ngừng hoặc thay đổi nếu rủi ro lớn hơn cả lợi ích mà nó mang lại cho bệnh nhân.

- Hội chứng Parkinson do tổn thương não: Điều trị tốt tình trạng đột quỵ hoặc nhiễm trùng có thể làm giảm triệu chứng. Nhưng trong trường hợp các triệu chứng vẫn xuất hiện gây khó khăn cho hoạt động hàng ngày của người bệnh mặc dù đã điều trị tốt bệnh lý nền, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn cần chấp nhận một thực tế là thuốc điều trị Parkinson gây ra không ít những tác dụng không mong muốn. Nếu gặp phải vấn đề này bạn cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết.

Thông thường, hội chứng Parkinson có xu hướng kém đáp ứng với điều trị nội khoa hơn so với bệnh Parkinson. Tuy nhiên, thuốc vẫn được coi là giải pháp tối ưu nếu nguyên nhân của tình trạng này là không thể điều trị được.

Tiên lượng

Parkinson thứ cấp được gây ra bởi các thuốc chống loạn thần kinh hay các thuốc khác, thường hồi phục nếu xác định được đúng nguyên nhân. Ngược lại tất cả các nguyên nhân khác hầu như không thể hồi phục mà xu hướng bệnh ngày càng nặng hơn theo thời gian, ví dụ như:

- Tổn thương não liên quan đến ma túy.

- Tổn thương não do viêm nhiễm

- Tổn thương não do độc tố

Các biến chứng

- Khoảng 1/3 số người bị hội chứng Parkinson cuối cùng sẽ bị sa sút trí tuệ, một tình trạng gồm mất trí nhớ, giảm sức phán đoán và thay đổi tính cách.

- Các thuốc điều trị hội chứng Parkinson cũng có thể gây một số biến chứng, gồm những cử động máy giật không tự chủ của tay và chân (loạn vận động), ảo giác, buồn ngủ, và tụt huyết áp khi đứng.

- Các biến chứng khác của hội chứng Parkinson giống như bệnh Parkinson nhưng nhẹ hơn, bao gồm:

* Khó nhai và nuốt: Ở giai đoạn muộn của bệnh, các cơ dùng để nuốt có thể bị ảnh hưởng, khiến ăn uống khó khăn.

* Các vấn đề về tiết niệu: Bệnh Parkinson có thể gây tiểu không tự chủ hoặc bí đái. Một số thuốc điều trị bệnh, nhất là những thuốc chống tiết cholin, có thể gây tiểu tiện khó.

* Rối loạn và suy giảm thính lực, thị lực.

* Táo bón: Nhiều người bệnh Parkinson bị táo bón vì đường tiêu hóa hoạt động chậm hơn. Táo bón cũng là một tác dụng phụ của thuốc dùng điều trị bệnh.
* Các vấn đề về giấc ngủ: Người bệnh Parkinson thường khó ngủ và hay thức giấc vào ban đêm. Họ ngủ không ngon giấc và thường cử động trong khi mơ (rối loạn hành vi giấc ngủ chuyển động mắt nhanh). Một số vấn đề về giấc ngủ có liên quan với trầm cảm.

Rối loạn giấc ngủ ở người bệnh mắc bệnh và hội chứng Parkinson

Rối loạn giấc ngủ ở người bệnh mắc bệnh và hội chứng Parkinson

* Rối loạn chức năng tình dục: Một số người bị bệnh Parkinson có thể giảm ham muốn tình dục. Điều này bắt nguồn từ sự kết hợp nhiều yếu tố tâm lý và thể chất, hoặc có thể là hậu quả của các yếu tố thể chất.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn gặp phải:

- Các triệu chứng của Parkinson thứ phát xuất hiện, hoặc quay trở lại và tồi tệ hơn.

- Các triệu chứng mới xuất hiện, bao gồm:

* Chóng mặt, ảo giác

* Rối loạn chức năng tâm thần

* Buồn nôn hoặc ói mửa

* Có thể có tác dụng phụ của thuốc

* Cử động vô thức, nhầm lẫn hoặc mất phương hướng nghiêm trọng
Những người phải sử dụng lâu dài thuốc chống loạn thần kinh nên được theo dõi cẩn thận để ngăn chặn sự phát triển của Parkinson thứ cấp.

DS. Việt Ánh

BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận