Chồng em mới phát hiện mắc tiểu đường khoảng 3 tháng nay. Em muốn hỏi, bệnh này có lây lan qua đường sinh dục, đường máu hay ăn uống không? Nếu hai vợ chồng em có con thì cháu có mắc bệnh giống bố không ạ?

Chào bạn

Mọi gia đình có người thân mắc tiểu đường đều có chung băn khoăn: “Bệnh tiểu đường có lây không? Chồng bị bệnh thì vợ và con cái có nguy cơ mắc tiểu đường hay không?”. Chúng tôi xin phép giải đáp thắc mắc này như sau:

Bệnh tiểu đường không lây qua đường sinh dục, đường máu hay ăn uống

Bản chất tiểu đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa, liên quan đến hoạt động của tuyến tụy và hormon insulin. Đây không phải là một bệnh lý do vi khuẩn, virus hay nấm gây ra. Và bệnh hoàn toàn không lây nhiễm, kể cả qua đường máu, sinh dục, ăn uống hay tiếp xúc cơ thể.

Một số người có thể thấy rằng các thành viên trong một gia đình thường mắc tiểu đường giống nhau. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải do tiểu đường có tính lây truyền mà xuất phát từ sự tương đồng về thói quen sống (chế độ ăn nhiều chất béo, chất bột đường, không vận động thường xuyên…) trong một gia đình.

Bố mẹ mắc bệnh, con có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn

Bệnh tiểu đường mặc dù không lây lan nhưng có thể di truyền. Điều này có nghĩa, con bạn trong tương lai có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn những đứa trẻ khác. Theo một số nghiên cứu, nếu bố mắc tiểu đường tuýp 2, phát hiện bệnh trước năm 50 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh của con rơi vào khoảng 14%. Rất may là tỷ lệ này có thể giảm thiểu.

Thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường tuýp 2 chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống. Bố mẹ có thói quen sống không có lợi thì dù trước khi sinh con không mắc tiểu đường, con cái vẫn có nguy cơ bị bệnh. Ngược lại, với những gia đình có bố hoặc mẹ bị tiểu đường nhưng có lối sống khoa học, khả năng mắc bệnh của con cái được hạn chế rất nhiều. Điều bạn cần làm hiện tại là tạo dựng một chế độ ăn, chế độ vận động lành mạnh cho gia đình. Đặc biệt khi chồng bạn đã bị tiểu đường, điều này càng có vai trò quan trọng.

Một chế độ ăn uống, tập luyện tốt cần có:

- Ăn nhiều chất xơ trong rau củ quả.

- Ăn vừa phải chất bột đường (bánh, kẹo, đồ ngọt, cơm, bún, miến, phở…). Riêng với chồng bạn, mức độ hạn chế sẽ nghiêm ngặt hơn.

- Ăn giảm mỡ, nội tạng động vật. Hạn chế chiên rán.

- Tập thể dục 30 – 45 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần. Không bỏ tập quá 2 ngày liên tiếp.

- Bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia hay các đồ uống chứa cồn.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ. Với chồng bạn, khoảng 3 tháng nên đi đo đường huyết, Hba1c 1 lần để đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết trong thời gian trước đó và điều chỉnh thuốc (nếu cần).

Tiểu đường không phải là một căn bệnh quá đáng sợ nếu bạn chủ động phòng ngừa và điều trị đúng cách. Chúng tôi tin rằng, với những nỗ lực của bạn, gia đình bạn sẽ sớm nhận được tin vui trong tương lai gần.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Bình luận