Tôi mới phát hiện bị tiểu đường tuýp 2. Bác sĩ có cho tôi dùng 1 viên Metformin 500 mg hàng ngày. Xin hỏi, thuốc này có tác dụng phụ gì không?

Chào bạn

Chúng tôi xin gửi bạn câu trả lời của GS Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam.

Metformin (Glucophage) là thuốc tiểu đường được sử dụng rất phổ biến. Thuốc khá an toàn, nhưng vẫn có một số ít trường hợp dùng Metformin bị tác dụng phụ.

 2 tác dụng phụ cần lưu ý của Metformin

Điều đầu tiên mà người bệnh tiểu đường cần chú ý khi dùng Metformin là thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn). Tác dụng phụ này thường gặp trong những ngày đầu dùng thuốc và giảm dần theo thời gian. Loại thải chậm Metformin MR(Glucophage XR) sẽ ít gây rối loạn tiêu hóa hơn.

Một tác dụng phụ khác của Metformin, ít gặp nhưng khá nguy hiểm là nhiễm toan acid lactic. Nguyên nhân là do thuốc ức chế quá trình tổng hợp glucose ở gan sẽ ảnh hưởng đồng thời tới quá trình sản sinh acid lactic. Hậu quả là nồng độ chất này trong máu tăng, có thể gây nhiễm toan, hôn mê. Nếu bạn nằm trong 3 đối tượng sau, bạn cần chú ý đến tác dụng phụ này:

- Bệnh nhân đái tháo đường trên 80 tuổi

- Người nghiện rượu mạn tính.

- Bệnh nhân suy gan, suy thận.

GS Thái Hồng Quang tư vấn về tác dụng phụ của Metformin

 Cách uống Metformin hạn chế tác dụng phụ

Để không bị rối loạn tiêu hóa khi dùng Metformin, bạn cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tùy dạng thuốc, thải chậm hay thải nhanh mà Metformin sẽ được sử dụng vào buổi tối hay ban ngày. Điều này bác sĩ sẽ dặn kỹ hoặc ghi trong đơn thuốc của bạn.

Nếu trong quá trình dùng Metformin, bạn thấy các dấu hiệu sau, phải gọi ngay bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh nhiễm toan máu:

- Cảm thấy rất mệt mỏi, yếu đuối hoặc khó chịu.

- Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, không thấy thèm ăn.

- Thở sâu, thở nhanh hoặc khó thở

- Hơi thở có mùi của trái cây thối

- Chóng mặt, lú lẫn.

- Nhịp tim nhanh hoặc chậm

- Da đỏ bừng, đau cơ hoặc cảm thấy lạnh (đặc biệt là ở bàn tay bàn chân)

Ngoài ra, bạn cần cố gắng điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện đều đặn kết hợp với việc dùng Metformin. Như vậy, đường huyết và HbA1c của bạn mới được kiểm soát tốt.

Chế độ ăn cụ thể, bạn xem trong bài viết sau:

http://www.dongtay.net.vn/vi/benh-hoc/dai-thao-duong/277-che-do-an-uong-cho-benh-nhan-dai-thao-duong.html

Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận