Mẹ em bị tiểu đường 6 năm. Gần đây thường xuyên bị hạ đường huyết, đã có lần bị hôn mê. Vậy có phải mẹ em bị biến chứng không và cách nào điều trị hiệu quả?

Chào bạn

Hạ đường huyết là biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường. Tình trạng hạ đường huyết thường xuyên hoặc thời gian kéo dài có thể ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tế bào não như giảm trí nhớ, lú lẫn. Bên cạnh đó, thường xuyên bị hạ đường huyết cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố về tim mạch như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đây là những nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh tiểu đường.

Với trường hợp của bà, đã có biểu hiện hạ đường huyết ở thể nặng (hôn mê) thì điều đầu tiên gia đình cần làm là báo với bác sĩ để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc tiêm insulin. Bởi insulin chỉ cần liều cao hơn 1 chút cũng rất dễ gây hạ đường huyết. Nhiều trường hợp bị hạ đường huyết nặng kết hợp với yếu tố tuổi cao, bác sĩ bắt buộc phải giảm liều insulin, để đường máu cao hơn một chút để tránh hạ đường huyết cấp gây tử vong.

Đồng thời, bản thân bạn và gia đình cũng cần trang bị sẵn các bước xử lý hạ đường huyết tại nhà.

- Nếu bà còn tỉnh: Cho bà ăn uống ngay 1 cốc nước đường, 1 ly nước hoa quả, sữa ngọt, ăn 2 - 3 viên kẹo, một cái bánh hoặc hoa quả có sẵn. Sau 15 phút, nếu bà không đỡ, tiếp tục cho bà uống nước đường hoặc ăn thêm. Chờ 15 phút không cải thiện phải đưa bà nhập viện.

- Nếu bà đã hôn mê: Cần gọi cấp cứu và khi vào viện, cần báo bác sĩ là bà bị tiểu đường và từng có tiền sử hạ đường huyết nhiều lần để bác sĩ trực nắm rõ tình trạng sức khỏe của bà.

Gửi bạn bài viết về các cách phòng ngừa hạ đường huyết, bạn có thể tham khảo thêm để áp dụng cho bà:

https://dongtay.net.vn/vi/benh-hoc/dai-thao-duong/1942-6-cach-ngan-ngua-chung-ha-duong-huyet-ban-dem-o-nguoi-tieu-duong.html

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Bình luận