Trong phác đồ điều trị đái tháo đường mới của Bộ Y Tế: Bệnh nhân kiểm soát tốt đường huyết không khuyến cáo chia nhỏ bữa ăn. Bác sĩ có thể giải thích tại sao không ạ? Nếu không chia nhỏ bữa ăn thì có kiểm soát đường huyết được không?

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới.

Xin gửi bạn giải đáp của ThS. BS Nguyễn Huy Cường - Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, BV Nội tiết Trung Ương như sau:

“Vâng, đây là một câu hỏi rất hay. Trước kia người tiểu đường hay phải chia nhỏ bữa ăn để giúp kiểm soát được đường máu. Nhưng hiện nay, việc này đem đến một số bất lợi.

Thứ nhất, khi chúng ta ăn thì theo phản xạ tự nhiên, tuyến tụy phải tăng tiết insulin. Và vì nếu tuyến tụy cứ phải liên tục tăng tiết như vậy, ngoài 3 bữa chính còn thêm 2-3 bữa phụ nữa, lâu dần sẽ làm tăng tốc độ tổn thương tuyến tụy và đề kháng insulin.

Thứ hai, việc chia nhỏ bữa ăn có thể gây bất lợi đối với người thừa cân, béo phì trong việc kiểm soát cân nặng.

Thứ ba, hiện nay các thuốc tiểu đường rất tốt và có thể giúp kiểm soát đường máu ngay cả khi chúng ta không cần chia nhỏ bữa ăn. Đối với người tiểu đường đã tiêm insulin, hiện nay các loại thuốc tiêm hoạt động gần như theo sinh lý tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Việc chia nhiều bữa là không cần thiết, thậm chí còn có thể gây tăng đường huyết cho người tiểu đường.

Do vậy mà phác đồ điều trị mới nhất của thế giới và Việt Nam đang dịch chuyển về việc thôi không chia nhỏ bữa ăn nữa nếu đường huyết đã kiểm soát tốt.

Theo cập nhật mới nhất về chế độ ăn, mỡ và trứng không phải kiêng nữa, bởi chất béo giúp cho đường huyết sau ăn không bị cao quá mà xa bữa ăn thì không bị tụt. Đấy cũng là một kỹ thuật ăn giúp chúng ta không cần thiết phải chia nhỏ bữa nữa. Trước kia chúng ta sợ ăn mỡ cho nên tinh bột tiêu hóa nhanh, mà tiêu hóa nhanh lại chóng hết, cho nên lúc xa bữa ăn dễ bị tụt.

Do đó, chế độ ăn chúng ta nên nắn chỉnh lại. Ví dụ chúng ta chỉ ăn một nửa bát phở nhưng cộng thêm thịt, trứng vào đó thì đường máu sẽ ổn định hơn rất nhiều.

Chúng ta hãy thử đường máu sau ăn để quyết định xem nên ăn gì và ăn bao nhiêu, có phải ăn bữa phụ hay không. Nếu chẳng hạn đường máu xuống 3,5 mmol/l thì bắt buộc chúng ta phải ăn, nhưng nếu nó không xuống đến dưới 5 thì chúng ta cũng không nên ăn.”

Trên đây là toàn bộ giải đáp của BS Cường. Để được đăng ký tư vấn, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp đến HOTLINE 0981 238 219

Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận