Thế giới đang phải đối mặt với “đại dịch" tiểu đường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Mỗi năm trên toàn thế giới có tới 3,7 triệu ca tử vong do đường huyết tăng cao. Và các chuyên gia cho biết con số này sẽ tiếp tục gia tăng trừ khi chúng ta cùng có những "hành động quyết liệt hơn" để đối phó với tình trạng này.

Gánh nặng của bệnh tiểu đường trên toàn thế giới

Sự gia tăng bệnh tiểu đường chủ yếu vào nhóm bệnh nhân tiểu đường type 2 do lối sống ít vận động và số lượng người béo phì ngày càng tăng.

Tiến sĩ Etienne Krug, một quan chức WHO nói với BBC (kênh tin tức uy tín hàng đầu nước Anh): "Tiểu đường là một căn bệnh thầm lặng, đang trên đà gia tăng không ngừng và chúng ta cần phải nỗ lực hành động để dừng lại. Vì tiểu đường có thể gây ra gánh nặng rất lớn đến sức khỏe của bản thân người bệnh, người thân của họ và trên hết là cho toàn xã hội."

Không kiểm soát được đường huyết sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe: tăng gấp ba lần nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa, cắt cụt chi…Tiểu đường là “kẻ giết người” thứ tám trên thế giới, chiếm khoảng 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm và thêm 2,2 triệu ca tử vong có liên quan đến lượng đường trong máu cao, 43% trong số người mắc bệnh không thọ quá 70 tuổi.

Gánh nặng của bệnh tiểu đường đang dần dịch chuyển về phía các nước thu nhập trung bình và thấp

Trong những năm 1980, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao nhất ở các nước giàu có. Nhưng hiện nay, các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam đang chịu những tổn thất nặng nề do bệnh này gây ra.

Tiến sĩ Krug cho biết trên BBC News: "Bệnh nhân tiểu đường tại các nước thu nhập trung bình và thấp đang gia tăng mạnh nhất và con số này sẽ tiếp tục tăng nếu không có những hành động thiết thực."

Tại Trung Đông, bệnh tiểu đường tăng từ 5,9% ở người trưởng thành vào năm 1980 đến 13,7% vào năm 2014. Theo tiến sĩ Slim SLAMA, chuyên gia của WHO chia sẻ với BBC News: "Khu vực này đã tăng từ 6.000.000 lên 43.000.000 bệnh nhân tiểu đường - đó là một sự gia tăng rất rất lớn. Tại Qatar hay Kuwait có tới hơn 20% dân số bị bệnh tiểu đường và điều đáng lo ngại hơn là 30-40% trong số họ ngoài 45 hoặc 60 tuổi.”

Tình trạng già hóa dân số là một phần nguyên nhân của sự gia tăng này, nhưng chế độ ăn uống và ít vận động mới là yếu tố chính.

Cần làm gì để ngăn chặn bệnh tiểu đường trong tương lai?

Theo WHO, việc thay đổi hành động này cần sự tham gia của toàn xã hội. Giải pháp hiệu quả nhất dành cho tất cả mọi người là tập thể dục, ăn uống lành mạnh và giữ cân nặng ở mức vừa phải.

Tap-the-duc-an-uong-lanh-manh-de-phong-tranh-benh-tieu-duong
Tập thể dục, ăn uống lành mạnh để phòng tránh bệnh tiểu đường

Các chính phủ phải có quy định rõ về hàm lượng các chất béo và đường trong các loại thực phẩm để đảm bảo cho người dân có những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe; quy hoạch đô thị tốt hơn cũng sẽ giúp người dân có không gian đi bộ; hay khuyến khích phụ nữ sinh con xong nên cho con bú bằng sữa mẹ.

Các nhà khoa học cũng kêu gọi ngành công nghiệp thực phẩm hành động có trách nhiệm để giảm chất béo và đường trong các loại thực phẩm, và ngừng tiếp thị thực phẩm không lành mạnh cho giới trẻ.

Tiến sĩ Krug cho biết: "Có hai điều khiến tôi thực sự lo lắng. Một là hiện nay cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Và thứ hai là sự thiếu công bằng tại các nước thu nhập trung bình và thấp vì tại các nước này, những người có bệnh tiểu đường khó có điều kiện tiếp cận được các phương pháp và kỹ thuật điều trị hiện đại."

Từ thực tế đó, cho thấy sự cần thiết phải hành động để đối phó với bệnh tiểu đường trong tương lai phải có sự chung tay của cả cộng đồng!

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Nguồn: http://www.bbc.com/news/health-35959554

 

Bình luận