Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã áp dụng thành công kỹ thuật tán sỏi mật bằng laser giúp loại sỏi thành công, bảo tồn được túi mật cho hơn 10 người bệnh.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật cắt túi mật là phương pháp được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc sỏi túi mật có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay nếu áp dụng phương pháp mới này sẽ giúp bảo tồn được túi mật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật.

Vai trò của túi mật và dấu hiệu nhận biết sỏi túi mật

Túi mật là bộ phận phụ của hệ thống đường mật hình dáng như một túi nhỏ nằm dưới gan, nó có chức năng cô đặc và dự trữ 90% lượng dịch mật do gan tạo ra (khoảng 1000 ml/ngày). Khi chúng ta ăn, túi mật sẽ co bóp để tống đẩy dịch mật xuống ruột để tiêu hóa.

Có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi túi mật, nguyên nhân chính thường do rối loạn chuyển hóa mỡ khiến lượng cholesterol trong dịch mật tăng cao tạo thành sỏi hoặc do viêm nhiễm đường mật. Đa số sỏi trong túi mật là sỏi cholesterol.

Hơn 80% trường hợp mắc sỏi túi mật không có triệu chứng, số còn lại có thể gặp phải cơn đau hạ sườn phải, khó tiêu, đầy trướng hay sốt cao do nhiễm khuẩn, viêm túi mật. Tóm lại, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng kể trên thì nên sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.

Đau nhiều vùng hạ sườn phải là 1 trong số các dấu hiệu cảnh báo sỏi túi mật
Đau nhiều vùng hạ sườn phải là 1 trong số các dấu hiệu cảnh báo sỏi túi mật

Khi nào áp dụng được phương pháp tán sỏi bằng laser?

Các trường hợp được điều trị sỏi túi mật bằng phương pháp tán sỏi bằng laser tại bệnh viện đều cho kết quả khả quan như:

Bệnh nhân 81 tuổi (quê Nam Định) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, kèm sốt. Qua thăm khám phát hiện túi mật viêm cấp, có 2 viên sỏi, kèm theo đó bệnh nhân còn bị mắc nhiều bệnh lý tim mạch phối hợp như hẹp động mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính…

Đánh giá đây là một ca phức tạp, bệnh nhân lớn tuổi lại bị nhiều bệnh mắc kèm nguy hiểm, không thể tiến hành phẫu thuật nên các bác sĩ đã tiến hành điều trị ổn định bằng kháng sinh, sau đó đưa dụng cụ nội soi vào túi mật và sử dụng laser để tán sỏi, bơm rửa để lấy hết vụn sỏi ra ngoài. Quá trình này diễn ra hết sức nhẹ nhàng, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt.

 

Trường hợp khác là một bệnh nhân trẻ tuổi (Hà Nội) mắc sỏi túi mật và thường xuyên bị đau hạ sườn phải. Bệnh nhân này có trẻ, chức năng túi mật tốt nên không muốn nên không muốn cắt túi mật mà mong muốn bảo tồn. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành tán sỏi túi mật qua da bằng laser cho bệnh nhân. Kết quả sau tán sỏi bệnh nhân hồi phục tốt và đã trở lại sinh hoạt, làm việc như bình thường.

 Hình ảnh minh họa phương pháp tán sỏi mật bằng tia laser
Hình ảnh minh họa phương pháp tán sỏi mật bằng tia laser

Cũng theo các bác sĩ, với những trường hợp người bệnh mà chức năng co bóp của túi mật còn tốt (>40%), túi mật không viêm mạn tính, không có polyp, túi mật không bị chia ngăn thì có thể áp dụng phương pháp điều trị tán sỏi qua da bằng laser để bảo tồn túi mật. Đối với trường hợp viêm túi mật cấp, bệnh nhân lớn tuổi hoặc người bệnh tim mạch, phổi không thể phẫu thuật được thì đây cũng là biện pháp để thay thế.

Mới đây ngày 27/2, bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cũng đã thực hiện thành công phương pháp này, sau tán sỏi bệnh nhân hồi phục tốt, đi lại bình thường, sức khỏe ổn định.

Dù vậy, ở bất cứ hoàn cảnh nào người bệnh cũng không nên chủ quan khi mắc sỏi túi mật, đặc biệt, nếu có dấu hiệu bất thường như đau dữ dội hạ sườn phải, hay bị đầy trướng, chậm tiêu, nôn, sốt thì nên sớm thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Biên tập viên Đông Tây

Theo Báo Sức khỏe & đời sống

Bình luận