Mới đây, các nhà khoa học Bỉ đã phát triển thành công tế bào sản xuất insulin, có khả năng thay thế các tế bào bêta của tuyến tụy, mở ra hy vọng chữa trị dứt điểm căn bệnh tiểu đường type 1.

Ước tính trên thế giới hiện có tới gần 40 triệu người đang phải chung sống với bệnh tiểu đường type 1. Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính, xảy ra khi các tế bào bêta của tuyến tụy bị hư hại và mất đi khả năng sản xuất insulin để điều hòa lượng đường trong máu. Cho đến nay vẫn chưa có một phương pháp nào có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Để điều trị, người bệnh buộc phải bổ sung nguồn insulin ngoại sinh trong suốt cuộc đời. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới tử vong cho người bệnh.

Tháng 10/2015, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Catholique de, Bỉ, dẫn đầu bởi Tiến sỹ Philippe Lysy đã phát triển thành công tế bào sản xuất insulin, có khả năng thay thế các tế bào bêta của tuyến tụy, từ đó giúp cải thiện chất lượng sống và mở ra hy vọng chữa trị dứt điểm căn bệnh tiểu đường type 1. Kết quả nghiên cứu đã được giới thiệu trong Đại hội lần thứ 54 của Hiệp hội Nội tiết Châu Âu được tổ chức thường niên tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Các tế bào sản xuất insulin nhân tạo mở ra hy vọng chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường type 1

Các tế bào sản xuất insulin nhân tạo mở ra hy vọng chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường type 1

Sự phá hủy của các tế bào bêta là nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường type1, bởi vậy mục tiêu của các nhà khoa học là làm thế nào để thay thế được những tế bào này. Nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Lysy đã bắt đầu tìm kiếm và phát hiện ra một nhóm tế bào tuyến tụy khác trên người, có tên là HDDCs, là một nguồn tiềm năng có thể biệt hóa thành các tế bào khác.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã lập trình lại HDDCs giống như các tế bào bêta, có khả năng tiết ra insulin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Sau đó, họ cấy chúng vào những con chuột bị tiểu đường và bước đầu tiến hành theo dõi.

Tuy hiện tại vẫn đang còn quá sớm để ghi nhận kết quả. Nhưng việc phát triển thành công các tế bào này được xem là một bước đột phá mới trong công cuộc nghiên cứu các phương pháp điều trị tiểu đường. Nó không chỉ mang lại hy vọng cho người bệnh type 1, mà còn mở ra hướng điều trị mới cho nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh gan hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác trong tương lai.

DS. Đông Tây
Trích nguồn: http://www.medicalnewstoday.com

Bình luận