Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng tuy là phương pháp ngoại khoa hiện nay được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa u nang hoặc ung thư buồng trứng. Nhưng các chuyên gia Thần kinh và Dịch tễ học cảnh báo rằng, việc loại bỏ buồng trứng sẽ kèm theo một số tác dụng phụ như mãn kinh sớm, rối loạn hormone. Đặc biệt, tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở phụ nữ là một trong những tác dụng phụ mới được công bố, liên quan đến việc loại bỏ buồng trứng.

Mối liên quan giữa nguy cơ bệnh Parkinson và loại bỏ buồng trứng

Đã có rất nhiều nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của việc cắt bỏ buồng trứng gây tổn hại hệ thần kinh. Triệu chứng điển hình là suy giảm trí nhớ khi còn trẻ tuổi. Từ những công bố này, các chuyên gia về thần kinh học đã quyết định tìm hiểu những tác động của việc mất buồng trứng lên chức năng hệ thần kinh.

Một nghiên cứu được tiến hành trên nhóm tình nguyện, gồm 1202 phụ nữ loại bỏ hoàn toàn 2 buồng trứng và 1283 phụ nữ chỉ còn một buồng trứng. Song song, các chuyên gia cùng theo dõi nhóm phụ nữ không tiến hành bất kỳ phẫu thuật cắt buồng trứng nào. Việc theo dõi diễn ra liên tục trong suốt 25 – 30 năm, sau đó kết quả được thống kê:

- 51 trường hợp phụ nữ đã loại bỏ buồng trứng mắc hội chứng Parkinson, 29 người trong đó được chẩn đoán là bệnh Parkinson.

- 29 trường hợp mắc hội chứng Parkinson được tìm thấy ở nhóm không loại bỏ buồng trứng và 18 trong số đó là bệnh Parkinson.

Trong số đó, những phụ nữ đã cắt bỏ cả hai bên buồng trứng có tỷ lệ mắc bệnh Parkinson cao gấp 2 lần so với số còn lại. Những phát hiện này đã gợi ý sự gia tăng nguy cơ bệnh Parkinson ở những phụ nữ đã loại bỏ 1 buồng trứng, nhưng không có ý nghĩa thống kê.

Nguy-co-mac-benh-Parkinson-tang-gap-doi-khi-loai-bo-2-buong-trung
Nguy cơ mắc bệnh Parkinson tăng gấp đôi khi loại bỏ 2 buồng trứng.

Tăng 2 lần nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở nữ cắt bỏ buồng trứng

Bệnh Parkinson xảy ra do thoái hóa tế bào thần kinh trong não chịu trách nhiệm sản xuất dopamine – một hormon chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các cơ bắp trong cơ thể để thực hiện chức năng vận động. Những người mắc bệnh Parkinson thường gặp các triệu chứng như run chân tay, khóa khăn trong di chuyển và cận động, mất khả năng giữ thăng bằng do co cứng cơ… Theo thống kê của Quỹ Parkinson quốc gia thì có khoảng 1,5 triệu người Mỹ mắc chứng bệnh này.

Cách nhà nghiên cứu cho rằng  suy giảm hormone sinh dục nữ estrogen sớm do loại bỏ cả 2 buồng trứng được xem là nguyên nhân hàng đầu cho việc tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Bởi estrogen ngoài nhiệm vụ của 1  nội tiết tố ở phụ nữ, thì nó còn giữ vai trò bảo vệ não bộ. Do đó, việc hao hụt estrogen tự nhiên vô hình chung làm tăng khả năng bị tổn hại thần kinh, từ đó tăng cao nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau này ở phụ nữ.

 Theo tiến sĩ Walter Rocca - nhà thần kinh - dịch tễ học thuộc Mayo Clinic cho biết, hiện nay liệu pháp estrogen thay thế được khuyến cáo cho phụ nữ tiền mãn kinh đã loại bỏ cả 2 buồng trứng để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt trầm trọng estrogen. Vậy nhưng, cách điều trị này lại là một vấn đề tranh cãi trong những năm gần đây, bởi các nghiên cứu đã cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư vú ở phụ nữ.

Vì vậy, tiến sĩ Andrew Siderowf - trợ lý giáo sư thần kinh học tại Đại học Pennsylvania, Philadelphia lo ngại rằng kết quả nghiên cứu này có thể ảnh hưởng tới cách thức điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng ở phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson ở các bệnh nhân đã cắt bỏ buồng trứng là không đáng kể so với việc phòng ngừa các nguy cơ mà bệnh buồng trứng gây ra cho họ.

Mặc dù chưa lý giải được cặn kẽ vấn đề, nhưng kết quả nghiên cứu đã thay đổi cách nhìn của các chuyên gia về estrogen. Đặc biệt là khả năng bảo vệ não của loại hormone này sẽ còn được đào sâu tìm hiểu, và hứa hẹn một phương pháp điều trị Parkinson mới trong tương lai.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Nguồn tham khảo: http://consumer.healthday.com

Bình luận