Ngày 29 tháng 11 vừa qua, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM  đã thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu trên người bệnh Parkinson.

Phẫu thuật  đặt điện cực kích thích não sâu là một kỹ thuật mới trong điều trị Parkinson giai đoạn muộn. Khi người bệnh  gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tây, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa  thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu sẽ là một giải pháp tích cực giúp người bệnh có thể cải thiện triệu chứng run và những rối loạn vận động. Trong đó, chứng run giảm 80-90%, thể cứng đờ giảm 70-80%, biến chứng rối loạn vận động gần như không xuất hiện.

Nguoi-benh-cai-thien-80-trieu-chung-run-cung-do-sau-khi-kich-thich-nao-sau

Người bệnh cải thiện 80% triệu chứng run, cứng đờ sau khi kích thích não sâu

Trước đây, phương pháp phẫu thuật này chỉ được thực hiện ở các nước có nền y học hiện đại, do đó người bệnh parkinson ở giai đoạn muộn muốn thực hiện phẫu thuật phải bỏ ra chi phí khá lớn. Từ năm 2012, sau khi triển khai kỹ thuật về Việt Nam, cho đến nay đã có hai trường hợp được điều trị thành công theo phương pháp này. Ngày 29/11/2015, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã  áp dụng thành công phương pháp này cho bệnh nhân đã chung sống hơn 7 năm với căn bệnh Parkinson là ông Thanh, 61 tuổi, quê ở Bình Định. Trước đây trong quá trình điều trị nội khoa, vì gặp phải biến chứng loạn động do tác dụng phụ của thuốc, ông Thanh thường có biểu hiện run, không cầm nắm được, giao tiếp khó, bị cứng đờ và biểu hiện ngày càng nặng.

Sau khi hội chẩn, ông Thanh được chỉ định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Để tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ sẽ chụp cộng hưởng từ và CT scan não để xác định đúng vị trí nhân não nào gây ra triệu chứng Parkinson. Sau đó bác sỹ khoan mỗi bên sọ bệnh nhân một lỗ đường kính khoảng 1cm để đưa điện cực vào. Phép thử được thực hiện tại vị trí nhân não bị bệnh với một dòng điện có cường độ thấp và theo dõi hiệu quả thực tế của bệnh nhân trong lúc mổ. Khi tất cả các thông số được xác định chuẩn, điện cực được gắn cố định vào vị trí bệnh và điều chỉnh thông số cường độ phù hợp thông qua các kênh. Toàn bộ thiết bị này hoạt động nhờ vào một viên pin đặt ở dưới da vùng ngực. Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Sau  phẫu thuật người bệnh phải nằm viện một thời gian theo dõi và điều chỉnh cường độ dòng điện cho phù hợp cũng như tập vật lý trị liệu vận động tại chỗ và đi lại.

Mặc dù, chi phí phẫu thuật còn khá cao, khoảng 820 triệu đồng Việt Nam nhưng việc áp dụng thành công kỹ thuật mới này thực sự là tin vui và thêm niềm hy vọng cho người bệnh Parkinson. Đây sẽ là tiền đề để trong tương lai con đường điều trị Parkinson sẽ còn nhiều bước tiến hơn nữa.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây
Theo: http://suckhoe.vnexpress.net/

Bình luận