Tiếp xúc với hóa chất độc hại trong một thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Parkinson – Sunnyvale. Kết quả nghiên cứu này một lần nữa khẳng định gien chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với bệnh Parkinson, chính môi trường sống là nguyên do gây phát bệnh.

Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn vận động gây ra bởi sự mất mát của các tế bào não sản xuất ra chất dẫn truyền thần kinh là dopamine, do đó nó làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền thần kinh, từ đó gây run, co cứng khớp, chậm chuyển động và suy giảm khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh chính xác vẫn chưa được tìm ra, trước đây đã có rất nhiều giả thuyết rằng Parkinson liên quan trực tiếp đến gen. Thực tế, gần đây nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài vấn đề gen di truyền, thì môi trường sống là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh Parkinson.

Nghiên cứu được tiến hành trên 99 cặp anh em sinh đôi, trong đó một nửa là cùng trứng và phần còn lại là sinh đôi khác trứng, mỗi người trong các cặp song sinh này được phát triển  trong môi trường sống khác nhau. Nghề nghiệp của nhóm đối tượng thuộc loại thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, như giặt khô, nhân viên sửa điện, sửa máy móc công nghiệp…. Các thông tin về bệnh của nhóm tình nguyện cũng được thu thập nhằm loại trừ trường hợp làm tăng nguy cơ Parkinson không do tiếp xúc hóa chất, như chấn thương đầu hoặc lạm dụng thuốc lá.

Tang-nguy-co-mac-benh-Parkinson-do-lam-viec-trong-moi-truong-phoi-nhiem-voi-hoa-chat-doc-hai

Tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson do làm việc trong môi trường phơi nhiễm với hóa chất độc hại

Các hóa chất được theo dõi trong nghiên cứu bao gồm: TCE, PERC, Carbon tetrachloride, n-hexane, xylene va toluene. Trong đó, hai loại hóa chất TCE (Tetrachloroethylene) và PERC (Perchlorethylene) được cho là hóa chất chính trong việc tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Đây là hai loại hóa chất hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở giặt ủi quần áo hoặc nhà máy tẩy rửa kim loại.

Kết quả cho thấy, nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường có nồng độ hai chất TCE và PERC cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Thời gian phơi nhiễm hóa chất càng dài, khả năng mắc bệnh càng cao. Thời gian từ khi tiếp xúc với TCE hoặc PERC cho tới khi mắc bệnh là khoảng 10 – 15 năm. Ngoài ra, rất nhiều các nghiên cứu của các Đại học y khoa khác được tiến hành độc lập và cũng cho ra kết quả tương tự.

Trong thời đại ứng dụng công nghệ cao vào các ngành công, nông nghiệp như hiện nay, thì việc sử dụng và phơi nhiễm với hóa chất độc hại là điều khó tránh khỏi. Nếu do đặc điểm nghề nghiệp buộc phải tiếp xúc với hóa chất thường xuyên, mỗi người trong chúng ta cần được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cũng như có các biện pháp phòng ngừa bệnh tốt nhất có thể. Parkinson tuy vẫn chưa có cách chữa dứt điểm, nhưng nếu có thể chẩn đoán và phòng ngừa ngay từ khi bệnh mới khởi phát, các triệu chứng lâm sàng chưa xuất hiện, thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn và cũng giảm được đáng kể các biến chứng gây khó khăn cho người bệnh.

Tú Trinh

Web tham khảo:

http://www.ninds.nih.gov
http://www.ncbi.nlm.nih.gov

Bình luận