Tôi 43 tuổi, phát hiện tiểu đường và bắt đầu điều trị từ đó đến nay đã hơn 1 năm. Lần gần đây nhất đi kiểm tra sức khỏe, đường huyết lúc đói 7.5 mmol/l, HbA1c 7.2 %. Xin hỏi chỉ số này đã tốt với người mới mắc bệnh tiểu đường như tôi không? Cần ăn uống và tập luyện thế nào?

Chào bạn,

Theo hướng dẫn điều trị mới nhất của Bộ y tế, ở những người trưởng thành khỏe mạnh, HbA1c nên nghiêm ngặt dưới 6.5%, đường huyết lúc đói dưới 7 mmol/l. Trong trường hợp nếu có biểu hiện hạ đường huyết thường xuyên, hoặc người lớn tuổi, mắc bệnh tiểu đường lâu năm, thì giá trị HbA1c có thể nới lỏng hơn dưới 8%.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, thì hiện nay đường huyết của bạn vẫn chưa được kiểm soát tốt. Bạn cần rà soát lại chế độ ăn, dùng thuốc và tập luyện đã hợp lý và đúng chỉ dẫn của bác sĩ hay chưa?

Chế độ ăn và tập luyện là có thể quyết định đến hơn 50% hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Không có một chế độ ăn chung dành cho người tiểu đường, bởi điều này phụ thuộc vào đường huyết, giai đoạn tiến triển của bệnh, nhu cầu năng lượng của mỗi cá nhân... Tuy nhiên, về nguyên tắc bạn vẫn có thể ăn đa dạng các nhóm thực phẩm để tránh thiếu chất, không cần kiêng quá mức, nhưng nên cắt giảm chất bột, đường (bánh kẹo, mứt, chè, kem, nước uống có ga...); đồ ăn chế biến sẵn có nhiều dầu mỡ; nên ăn nhiều rau xanh (chiếm khoảng 50% trong khẩu phần ăn, nên chọn rau ít tinh bột như rau có lá màu xanh thẫm, nhiều chất xơ hòa tan đậu bắp, khoai lang, cải bó xôi...). Bạn có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (3 bữa ăn chính, 2 - 3 bữa ăn phụ xen kẽ bữa ăn chính), điều này sẽ hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Với các loại hoa quả bạn nên ưu tiên ổi, thanh long, lê, táo, quả lựu, mận, đào... thay vì nhãn, mít, sầu riêng, vải, xoài chín... Trái cây có thể ăn thành các bữa phụ, mỗi lần ăn không nên quá 150 gam.

Chúc bạn sức khỏe!

Bình luận