Nghiên cứu mới trên Tạp chí Y học New England cho thấy, kiểm soát đường huyết có thể chưa đủ để phòng ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường tuýp 2. Ngoài đường huyết, người bệnh cần lưu tâm đến các yếu tố khác như huyết áp, mỡ máu và cân nặng.
 
Phòng ngừa biến chứng tim mạch là 1 trong các ưu tiên hàng đầu với người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường tuýp 2 đã được biết đến như 1 yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác. Và các nhà nghiên cứu nghĩ rằng, việc kiểm soát chặt chẽ đường huyết trong 5 năm liên tiếp có thể giúp người bệnh giảm rủi ro tim mạch ở nhiều năm tiếp theo.

Tuy nhiên một nghiên cứu kéo dài 15 năm mới đây cho thấy, điều này có thể chưa hoàn toàn chính xác. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài kiểm soát đường huyết, có nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng lớn hiệu quả phòng ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường. Bao gồm huyết áp, mỡ máu và cân nặng.

TS. BS. Peter Reaven, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: "Kiểm soát glucose trong máu sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhưng chỉ riêng điều này thì chưa đủ. Chúng ta cần giải quyết tất cả các yếu tố có thể là tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác.

Trong giai đoạn đầu nghiên cứu, 1.800 người được chọn để tham gia nghiên cứu. Tất cả những người bệnh này đều đã mắc tiểu đường tuýp 2 trên 10 năm. Tuổi trung bình rơi vào khoảng 60 tuổi.

Người bệnh tham gia nghiên cứu sẽ được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm “điều trị thông thường” và “điều trị chuyên sâu”. Cả hai nhóm đều được sử dụng những loại thuốc hạ đường huyết như nhau. Sự khác biệt là nhóm “điều trị chuyên sâu” sẽ được dùng liều cao hơn để giảm HbA1c dưới 7%. Trong khi đó, HbA1c trung bình ở nhóm “điều trị thông thường” là 8.4%. HbA1c là chỉ số ước tính đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng. Việc điều trị như vậy sẽ được tiến hành trong 6 năm liên tiếp.

Nghiên cứu được tiến hành trên những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trên 10 năm.
Nghiên cứu được tiến hành trên những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trên 10 năm.

Khoảng 10 năm sau khi nghiên cứu bắt đầu, nhóm “điều trị chuyên sâu” đã cho kết quả tích cực hơn. Số người mắc bệnh tim và đột quỵ giảm 17% so với nhóm “điều trị thông thường”. Nhưng khi theo dõi tiếp đến 15 năm, tỷ lệ mắc biến chứng tim mạch, đau tim, đột quỵ hoặc tử vong ở 2 nhóm là như nhau.

Không có bằng chứng nào cho thấy việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ chỉ trong 5 năm sẽ mang lại lợi ích lâu dài về sau. Theo dữ liệu của chúng tôi, việc kiểm soát đường huyết phải được duy trì liên tục. Ngoài ra, nghiên cứu mới được tiến hành trên những người bệnh tuýp 2 lâu năm. Vẫn chưa rõ kết quả nghiên cứu còn chính xác ở những người tiểu đường tuýp 2 mới được chẩn đoán hay người tiểu đường tuýp 1 hay không.

Kể từ khi kết quả nghiên cứu được công bố, nhiều loại thuốc hạ đường huyết mới được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ bệnh tim mạch đã được kê đơn cho người tiểu đường tuýp 2. “Các loại thuốc mới này có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường.” Bác sĩ Kasia Lipska từ Trường Y Yale chia sẻ.

Tuy nhiên, BS Lipska cũng khẳng định “Kiểm soát chặt chẽ đường huyết bằng thuốc không phải là cách tốt nhất để giảm nguy cơ tim mạch. Tránh hút thuốc, kiểm soát huyết áp, dùng thuốc nhóm statin để giảm mỡ máu cũng được chứng minh giúp phòng ngừa bệnh tim mạch cho bệnh nhân tiểu đường. Điều này không có nghĩa kiểm soát đường huyết không quan trọng nhưng phải có sự cân bằng. Người bệnh không nên cố gắng hạ thấp lượng đường trong máu. Bởi hạ đường huyết cũng là một biến chứng rất nguy hiểm.”

Kết quả của nghiên cứu không phải là căn cứ để người bệnh thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị hiện tại. Việc kiểm soát đường huyết vẫn cần được duy trì trong suốt quá trình điều trị. Tuy nhiên để phòng ngừa biến chứng tim mạch do tiểu đường, người bệnh nên kiểm soát cả những yếu tố nguy cơ khác (huyết áp, mỡ máu…) bên cạnh việc ổn định đường máu.

Biên tập viên Đông Tây

Tham khảo:

https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=221564&ecd=mnl_spc_060619

Bình luận