Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Washington (Mỹ) công bố đã tìm ra kỹ thuật mới để chuyển đổi tế bào gốc của con người thành tế bào beta tuyến tụy để sản xuất insulin. Khi các tế bào này được cấy vào chuột có bệnh tiểu đường, chúng đã được chữa khỏi nhanh chóng.

Jeffrey R. Millman - Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Những con chuột tham gia vào thử nghiệm bị tiểu đường rất nặng với chỉ số đường huyết trên 500mg/dL - mức độ có thể gây tử vong cho người. Khi chúng tôi tiến hành cấy tế bào beta vào cơ thể chuột, chỉ sau 2 tháng, mức đường huyết trở lại bình thường và duy trì như vậy trong nhiều tháng”.

Ở người bệnh tiểu đường, tế bào Beta trong tuyến tụy bị suy giảm chức năng nên không thể sản xuất đủ lượng insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Insulin là một hormone quan trọng tham gia vào quá trình vận chuyển đường glucose từ trong máu vào tế bào. Khi không đủ insulin, đường trong máu sẽ không được sử dụng, tích tụ trong máu và dẫn đến các triệu chứng, biến chứng của bệnh tiểu đường.

 Thử nghiệm điều trị thành công bệnh tiểu đường trên chuột bằng tế bào gốc

Thử nghiệm điều trị thành công bệnh tiểu đường trên chuột bằng tế bào gốc

Các nhà khoa học thuộc Đại học Washington đã nghiên cứu trong nhiều năm để tìm ra cách điều chỉnh tế bào gốc phát triển thành tế bào beta sản xuất insulin. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây, họ đã có thể tạo ra tế bào beta. Không chỉ vậy, các tế bào này hoạt động tốt ở chuột.

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Biotechnology, nhóm nghiên cứu còn cho biết, phương pháp này cũng có thể giúp tạo ra các tế bào khác, bao gồm gan, thực quản, dạ dày và tế bào ruột. Nếu thành công, chúng ta có thể ứng dụng được trong điều trị nhiều loại bệnh lý khác, không chỉ bệnh tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nếu thử nghiệm trên người cho kết quả khả quan như trên chuột thì bệnh tiểu đường sẽ có hy vọng được chữa khỏi trong tương lai.

Nguồn: https://www.sciencealert.com/new-experiment-with-human-stem-cells-ends-up-rapidly-curing-mice-of-diabetes

Bình luận