Không ít người bệnh tiểu đường, đặc biệt là người cao tuổi gặp phải tình trạng nghe kém và đổ lỗi cho tuổi già nhưng họ đâu biết rằng đó là một biến chứng của bệnh tiểu đường. Theo công bố năm 2008 của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thì người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị suy giảm thính lực cao gấp hai lần so với bình thường.

Suy giảm thính lực ở người bệnh tiểu đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường của Mỹ (ADA) có gần 35 triệu người tại quốc gia này bị suy giảm thính lực và có nhiều người trong số họ mắc bệnh tiểu đường hoặc đang ở giai đoạn tiền tiểu đường. ADA cũng cho biết: “Trong số 79 triệu người đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường thì tốc độ suy giảm thính lực của họ cao hơn 30% so với những người có đường huyết ở giá trị bình thường”.

 

Bệnh tiểu đường có thể gây biến chứng suy giảm thính lực

Vì sao bệnh tiểu đường lại làm suy giảm thính lực?

Hiện chưa có giải thích rõ ràng về nguyên nhân gây suy giảm thính lực ở người bệnh tiểu đường. Một số nhà khoa học giải thích rằng: Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn đến tổn thương mạch máu và các dây thần kinh nuôi dưỡng tai trong tương tự như cơ chế gây biến chứng trên mắt, thần kinh, thận. Hơn nữa, các mạch máu ở tai rất nhỏ, khi đường huyết tăng cao, độ nhớt máu tăng cao, máu rất khó để đi vào các mao mạch của ốc tai, từ đó dẫn đến suy giảm chức năng thính lực.

Dấu hiệu nhận biết biến chứng suy giảm thính lực do bệnh tiểu đường

Nghe kém là biểu hiện sớm nhất của biến chứng suy giảm thính lực ở người tiểu đường. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ em, thanh niên hoặc người lớn tuổi mắc đái tháo đường type 1 hoặc type 2. Hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ mất thính lực, đặc biệt ở người có bệnh tiền đái tháo đường hoặc có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường:

- Bạn bè hoặc người thân hỏi rằng bạn có đang lắng nghe không?

- Bạn có thường xuyên yêu cầu mọi người nói lại cho mình nghe?

- Bạn phàn nàn rằng tại sao mọi người luôn luôn lẩm bẩm

- Khó lắng nghe câu chuyện có trên 2 người tham gia

- Luôn bật tivi hoặc đài với âm lượng lớn hon bình thường

- Khó trò chuyện được trong các cuộc hội thoại tại sự kiện đông người hoặc các nhà hàng lớn.

Nếu bạn trả lời có cho trên 1 câu hỏi trong số trên, hãy lập tức đi khám tại chuyên khoa nội tiết và tai mũi họng để đánh giá mức độ tổn thương thính giác, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Phòng ngừa và điều trị suy giảm thính lực do bệnh tiểu đường?

Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học khuyến cáo giảm thính lực cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết tiểu đường.  Nhiều người bệnh không nghĩ rằng việc mất thính lực của mình là do tiểu đường nên họ không chia sẻ dấu hiệu này với bác sỹ. Điều đó hết sức nguy hiểm, bởi vì biến chứng tại tai cũng diễn ra từ từ giống các biến chứng tại cơ quan khác như tim, mắt, thận…với những dấu hiệu không dễ nhận biết được ngay từ đầu. Để phòng ngừa biến chứng này của tiểu đường, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

-  Kiểm soát lượng đường trong máu: Người bệnh tiểu đường type 1 và type 2 nên đạt được mức đường huyết tối ưu và duy trì kiểm soát chặt chẽ để có thể giữ cho đôi tai nghe được những âm lượng sắc nét hơn.

- Không hút thuốc: Khói thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây mất thính lực, nó sẽ trở nên nguy hiểm hơn kết hợp với các yếu tố nguy cơ gây mất thính lực khác, chẳng hạn như kiểm soát kém bệnh tiểu đườn, làm việc trong môi trường đầy tiếng ồn, hoặc thường xuyên sử dụng súng (hơn 1 lần/tháng trong mỗi năm)

- Tránh xa nơi có tiếng ồn lớn: Một môi trường làm việc ồn ào làm tăng nguy cơ mất thính lực, đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn có thể xem xét đổi công việc khác hoặc áp dụng các phương pháp để giảm bớt ảnh hưởng của tiếng ồn lên đôi tai bạn.

Bên cạnh những lưu ý trên, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết bằng cách dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ, xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thường xuyên, đồng thời giữ các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, cân nặng trong giới hạn cho phép để phòng tránh biến chứng suy giảm thính lực và các biến chứng nguy hiểm khác của tiểu đường..

Biên tập viên sức khỏe
Trích nguồn:
http://www.everydayhealth.com
http://www.diabetes.org
http://www.healthline.com

Bình luận