Chỉ số SpO2 ở người mắc COVID-19 giảm tức là nồng độ oxy trong máu họ đang xuống thấp. Hãy áp dụng những cách xử lý này khi chỉ số SpO2 giảm để ngăn tiến triển suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

SpO2 là gì? SpO2 bao nhiêu là nguy hiểm cho F0?

SpO2 (Saturation of peripheral oxygen) là độ bão hòa oxy trong máu. Chỉ số này sẽ cho biết phổi của bạn có đang hoạt động tốt để cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động hay không. SpO2 giảm dưới mức bình thường (97 - 99%) có nghĩa là bạn đang bị thiếu oxy máu.

Đối với người bệnh nhiễm COVID-19 (F0), chỉ số SPO2 từ 94% trở xuống là nguy hiểm. Người bệnh cần có sự hỗ trợ ngay từ các bác sĩ và nhân viên y tế. Trường hợp SPO2 giảm xuống 95 - 96%, mặc dù mức độ rủi ro sẽ thấp hơn nhưng F0 vẫn cần theo dõi sát và áp dụng các giải pháp hỗ trợ để sớm đưa chỉ số này về mức bình thường.

Theo dõi SpO2 giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu ở người bệnh COVID-19

Theo dõi SpO2 giúp phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu ở người bệnh COVID-19

Hướng dẫn cách xử trí khi chỉ số SpO2 giảm

Tùy theo mức giảm của SpO2 mà cách xử trí sẽ có sự khác nhau. Cụ thể như sau:

Nếu SpO2 95 - 96% và không kèm dấu hiệu bất thường 

Thở chúm môi 

  • Hít thở bằng mũi trong hai nhịp, cố gắng giữ 3 - 5 giây nếu bạn không bị khó thở khi hít vào. 
  • Chúm môi và thở ra từ từ, đếm từ 1 - 4 nhịp.

Thở ngực kết hợp tay

  • Đưa tay lên trên mở rộng lồng ngực đồng thời hít thở vào. Sau đó giữ hơi thở khoảng 3 - 5 giây (nếu bạn không bị khó thở).
  • Đưa tay xuống đồng thời thở ra như phương pháp thở chúm môi.

Thở bụng 

  • Dùng hai tay đặt lên ngực và bụng để cảm nhận chuyển động của cơ thể.
  • Hít vào từ từ bằng mũi, lúc này hơi thở làm bụng phình lên. Bàn tay đặt trên bụng cao hơn còn bàn tay đặt ở ngực vẫn giữ nguyên vị trí.
  • Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại (giống động tác thổi sáo), lúc này bụng của bạn sẽ xẹp xuống.
  • Hít vào từ 1 - 2 nhịp và thở ra đếm từ 1 - 4 nhịp. Kéo dài hơi thở ra gấp đôi lúc hít vào.

Khi thực hiện việc tập thở, người bệnh không nên gắng sức quá mức mà tập ở mức vừa phải để quen dần. Bạn có thể kết hợp thở chúm môi với thở ngực hoặc thở bụng để tăng hiệu quả. Một ngày nên tập ít nhất 3 lần, mỗi lần từ 5 - 10 phút.

Người bệnh F0 nên thực hiện thở bụng ngay khi thấy chỉ số SpO2 giảm

Người bệnh F0 nên thực hiện thở bụng ngay khi thấy chỉ số SpO2 giảm

Nếu SpO2 ≤ 94% hoặc có các dấu hiệu bất thường

Như đã nói ở trên, chỉ số SpO2 từ 94% trở xuống thể hiện tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng. Trường hợp này rất nguy hiểm nên cách tốt nhất là chuyển người bệnh đến cơ sở y tế, khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly hoặc bệnh viện dã chiến gần nhất. Ngoài ra những trường hợp SpO2 chưa giảm thấp nhưng đã xuất hiện biểu hiện khó thở nặng, không thể tự rời giường chăm sóc bản thân, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt… bạn cũng cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Nếu chưa thể đưa người bệnh đến cơ sở y tế thì bạn có thể cho người bệnh áp dụng tư thế nằm sấp và theo dõi sát sao chỉ số SPO2. Tư thế nằm sấp sẽ lá phổi hoạt động tốt hơn, từ đó giúp cải thiện nhịp thở và tăng độ bão hòa oxy cho cơ thể. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với người có nồng độ SPO2 dưới 94%.

Cách nằm sấp đúng cho các người bệnh F0 là:

  • Thực hiện mỗi tư thế nằm dưới đây theo thứ tự lần lượt (mỗi tư thế nằm từ 30 phút - 2 tiếng).
  • Nằm sấp - Nằm nghiêng bên phải - Ngồi dậy (góc 30 - 60 độ) - Nằm nghiêng bên trái - Nằm sấp và co chân - Về tư thế nằm sấp ban đầu.
  • Mỗi lần thay đổi vị trí nằm, bạn hãy chú ý theo dõi nồng độ oxy. Nếu nồng độ Oxy giảm dưới 92% hoặc bạn cảm thấy các dấu hiệu bất thường (khó thở, tức ngực) thì hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi. Tuyệt đối không tự cố gắng điều trị tại nhà để tránh khó thở nặng, gây ra biến chứng nguy hiểm.

Cách nằm sấp giúp cải thiện SpO2 cho người bệnh F0

Cách nằm sấp giúp cải thiện SpO2 cho người bệnh F0

Lưu ý: người có huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh tim mạch, phụ nữ đang mang thai hay người có vấn đề về cột sống, gãy xương thì không thực hiện tư thế này.

Virus COVID-19 xâm nhập qua đường hô hấp và tấn công trực tiếp vào phổi, dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất là luôn theo dõi sát các chỉ số SpO2, huyết áp và những biểu hiện bất thường của cơ thể. Nếu thấy SpO2 giảm, hãy nhanh chóng áp dụng các lời khuyên trong bài viết để giảm rủi ro cho mình và người thân.

Xem thêm: 7 bài tập phục hồi chức năng phổi cho F0 tại nhà

BTV Đông Tây

Link tham khảo: medicalnewstoday, WHOVietnam

Bình luận