Thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc ngủ, thuốc đau bụng tiêu chảy, vitamin… là những loại thuốc mà F0 cần có để tự điều trị triệu chứng và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ về các loại thuốc này đồng thời biết cách dùng đúng.

Chủ động chuẩn bị một số loại thuốc sẽ giúp F0 phục hồi sức khỏe tốt hơn

Chủ động chuẩn bị một số loại thuốc sẽ giúp F0 phục hồi sức khỏe tốt hơn 

Những loại thuốc F0 cần có khi cách ly tại nhà

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) và BS Phan Xuân Trung (Trung tâm y khoa Medic Hòa Hảo), các F0 điều trị tại nhà có thể chuẩn bị một số loại thuốc sau:

Thuốc hạ sốt Paracetamol

Paracetamol sẽ giúp người bệnh giảm triệu chứng sốt, nhức đầu, đau nhức mình mẩy do COVID-19 gây ra. Nếu có các triệu chứng này, bạn có thể uống thuốc với liều 10 - 15mg/kg/lần (liều trung bình ở người lớn là 500mg/lần). Lưu ý: 

  • Chỉ nên dùng thuốc khi sốt trên 38,5 độ C. 
  • Không dùng quá 60 mg Paracetamol/kg/ ngày với trẻ em và 2g Paracetamol/ngày với người lớn.
  • Không dùng cho người mắc các bệnh gan, thận mạn tính.

Trường hợp không có Paracetamol, người bệnh có thể đổi sang Ibuprofen - một thuốc chống viêm không steroid NSAID khác.

Thuốc ho, thuốc ngủ (Mimosa, Rotunda)

Người mắc COVID-19 nếu gặp triệu chứng ho có thể điều trị bằng các loại thuốc như Terpin, Theralene, Sapphire hoặc các loại siro từ thảo dược. Liều dùng của các thuốc này sẽ khác nhau. Do đó cách đơn giản nhất là đọc kĩ tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm hộp thuốc. 

Trong trường hợp bị mất ngủ, khó ngủ, bạn có thể lựa chọn các loại thuốc ngủ thảo dược lành tính như Mimosa, Rotunda, Melatonin… Tuy nhiên cần lưu ý không lạm dụng thuốc và cố gắng giữ tinh thần thoải mái - đây mới là chìa khóa giúp bạn nhanh phục hồi và có giấc ngủ tốt hơn.

Nếu F0 bị khó ngủ, mất ngủ thì có thể dùng thuốc ngủ thảo dược

Nếu F0 bị khó ngủ, mất ngủ thì có thể dùng thuốc ngủ thảo dược

Thuốc đau bụng, tiêu chảy (Diosmectite...)

Trên thực tế, ít trường hợp người mắc Covid-19 đau bụng và tiêu chảy đến mức quá nặng. Vì vậy, nếu bạn gặp triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy thì hãy bình tĩnh và sử dụng những loại thuốc trước đây bạn đã dùng. Bạn cũng có thể tham khảo một số thuốc tiêu chảy như Diosmectite (Smecta hoặc các thuốc cùng dạng). Liều dùng là  1-2 lần x 1 gói kết hợp bù nước bằng Oresol.

Các loại vitamin (vitamin C, đa sinh tố…) 

Ngoài đảm bảo ăn uống đủ chất, người bệnh Covid-19 nên bổ sung thêm một số loại vitamin như vitamin C, vitamin D, vitamin A và E… để tăng cường đề kháng của cơ thể. Bộ Y Tế khuyến cáo F0 có thể uống vitamin và các viên đa sinh tố với liều 2 viên/ngày, chia 2 lần sáng 1 viên chiều 1 viên kết hợp với chế độ ăn tăng đề kháng.

Xem thêm: F0 nên ăn gì để tăng sức đề kháng?

Các thuốc điều trị bệnh lý nền

Trường hợp F0 có bệnh lý nền (bệnh mạn tính đang điều trị ổn định) thì tiếp tục uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên quá lo lắng về rủi ro mắc COVID-19 mà bỏ quên việc điều trị bệnh lý nền của mình. Việc không dùng thuốc hay quên liều sẽ khiến bệnh nền trở nên nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tạo điều kiện cho virus tấn công.

Một số loại thuốc khác

Với những người bệnh có biểu hiện sớm của chứng suy hô hấp như khó thở, nhịp thở dưới 20 lần/phút, chỉ số SP02 dưới 95%... và chưa liên hệ được với nhân viên y tế có thể sử dụng thêm các thuốc chống đông, kháng viêm sau đây. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng các thuốc này là thuốc kê đơn, khi dùng cần có sự theo dõi sát của nhân viên y tế.

Tên thuốc và liều dùng

Lưu ý khi dùng

Dexamethasone

- Người lớn: 6mg/lần/ngàyTrẻ em: 0,15 mg/kg/ngàyDùng tối đa 6mg/ngày

- Bạn nên uống thuốc sau ăn, tốt nhất là vào buổi sáng.

- Người có bệnh lý dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày. Nếu có hiệu quả thì dùng nhiều nhất là 7 ngày.

Prednisolone

- Người lớn: 40mg/ngày/lầnTrẻ em: 1 mg/kg/ngàyMột ngày dùng tối đa 40 mg.

Methylprednisolone

- Người lớn: 16mg/ngày/lầnTrẻ em: 0,8 mg/kg/ngàyUống 2 lần/ ngày, cách nhau 12 tiếng. Một ngày dùng tối đa 32 mg.

- Uống thuốc sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).

- Người có bệnh lý dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày. Nếu có hiệu quả thì dùng nhiều nhất là 7 ngày.

Rivaroxaban (Thuốc kháng đông)10 mg/lần/ngày

- Uống thuốc sau khi ăn.

- Thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.

- Sau khi uống Rivaroxaban, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu tiêu hóa… Sử dụng thận trọng ở người trên 80 tuổi.

- Không dùng cho: Người suy gan, thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có bệnh lý dễ chảy máu và phụ nữ có thai và đang cho con bú.


Một số lưu ý khi dùng thuốc cho F0

Ngoài ra, TS. BS. Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Australia tại Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu 5F COVID) cho biết các loại thuốc trên đều là thuốc chữa triệu chứng, thuốc tăng cường sức khỏe và đề kháng cho F0 chứ không phải thuốc điều trị dứt điểm COVID-19.  Để sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Sử dụng đúng liều lượng, đúng chỉ định: Nhiều người bệnh vì quá lo lắng nên thường sử dụng thuốc không đúng chỉ định và liều lượng, ví dụ hơi sốt nhưng đã uống thuốc hạ sốt. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến đề kháng và sức khỏe của cơ thể. Bạn hãy bình tĩnh và sử dụng thuốc đúng chỉ định để đảm bảo an toàn và phát huy tốt hiệu quả của thuốc.
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể trong thời gian dùng thuốc: Nếu người bệnh gặp những dấu hiệu như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, da vàng, mắt vàng, tê bì, xuất hiện mảng xuất huyết dưới da dù không bị va đập, li bì… hoặc bất kỳ phản ứng gì bất thường thì cần gọi cho nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số 3 để được tư vấn từ Hội Y học Tp.HCM hoặc số 4 để gặp Thầy thuốc đồng hành).

Xem thêm: Khi chỉ số SpO2 giảm, F0 cần làm gì?

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và có kết quả âm tính khi điều trị cách ly tại nhà. Điều quan trọng nhất là bạn cần bình tĩnh, lạc quan để theo dõi và xử lý tình huống đúng. 

BTV Đông Tây

Nguồn tham khảo: ncov, alobacsi, columbiaasia, BS Trương Hữu Khanh, BS Phan Xuân Trung

Bình luận