Run tay là những chuyển động nhịp nhàng không kiểm soát được của một ngón tay, cả bàn tay hay cánh tay. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày, đôi khi khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti và sống khép kín.
Run tay là những chuyển động nhịp nhàng không kiểm soát được của một ngón tay, cả bàn tay hay cánh tay. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày, đôi khi khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti và sống khép kín.
 
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh run tay, có thể do sự tổn thương của các tế bào thần kinh vùng vận động, hay sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội làm gia tăng các bệnh lý về thần kinh như trầm cảm, lo âu, stress... Dưới đây là 8 nguyên nhân gây bệnh run tay thường gặp.

1. Run vô căn

Run vô căn là tình trạng run không rõ nguyên nhân, thường ảnh hưởng lớn nhất đến cả hai bàn tay, ngón tay với dấu hiệu đặc trưng là run tăng lên khi vận động. Vì vậy khi đi thăm khám để chẩn đoán phân biệt run vô căn với các nguyên nhân khác bác sỹ có thể yêu cầu bạn trải qua một số bài kiểm tra đơn giản như vẽ một vòng tròn, cầm một cốc nước… Run vô căn thường là run lành tính, tuy nhiên bệnh cũng tiến triển nặng dần theo thời gian nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.

2. Run tay do rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật được xem là nguyên nhân hàng đầu gây run tay ở người trẻ tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với các triệu chứng run tăng lên khi lo lắng, căng thẳng, hồi hộp… Xen kẽ với triệu chứng run tay bạn còn có thể gặp phải các dấu hiệu khác như nhịp tim nhanh, khó thở, tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, chân.
 
Roi-loan-than-kinh-thuc-vat-–-nguyen-nhan-pho-bien-gay-run-tay-o-nguoi-tre
Rối loạn thần kinh thực vật – nguyên nhân phổ biến gây run tay ở người trẻ
 
Vấn đề điều trị run do rối loạn thần kinh thực vật khá khó khăn, vì hầu hết các bác sỹ chỉ điều trị dựa vào triệu chứng mà ít trị được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được run nếu biết cách điều tiết, cân bằng cảm xúc và tăng giao tiếp với mọi người xung quanh.

3. Run tay do Parkinson

Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển nặng dần theo thời gian, do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh có tên là dopamin ở trong não. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào chữa khỏi hoàn toàn. Dấu hiệu run trong bệnh lý Parkinson có đặc trưng là run thường xuất hiện hoặc tăng lên khi nghỉ ngơi và có thể giảm đi khi bạn hoạt động. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị co cứng cơ khớp, đi lại chậm chạp và cử động khó khăn.

4. Run tay do tác dụng phụ của thuốc

Run tay có thể xuất hiện do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị và thông thường chỉ cần dừng thuốc run sẽ hết. Các thuốc có thể gây run bao gồm: thuốc chống động kinh (gabapentin…); thuốc điều trị rối loạn lo âu (tetrabenazin…); các thuốc corticoid (prednisolon…); thuốc trầm cảm (clopromazine…)
Nếu bạn thấy xuất hiện run tay cùng với thời điểm sử dụng các thuốc trên, hãy trao đổi lại với bác sỹ điều trị của bạn. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể thay thế thuốc khác, hoặc sử dụng kết hợp thêm thuốc để giúp cải thiện tình trạng run.

5. Run tay do tiểu não

Tiểu não là vùng não có vai trò điều hòa thăng bằng và phối hợp các vận động của cơ thể. Tiểu não có thể bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân như do nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc thoái hóa tiểu não do di truyền,… Sự tổn thương này không chỉ gây nên tình trạng run tay mà còn làm rối loạn thăng bằng, dáng đi của người bệnh. Phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, sau khi thăm khám kỹ, các bác sỹ sẽ lựa chọn cho bạn các phương pháp điều trị khác nhau.

6. Run do bệnh lý cường giáp

Cường giáp là bệnh lý rối loạn tự miễn, xảy ra do cơ thể sản sinh quá nhiều hormon tuyến giáp, làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi đó, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh, căng thẳng, khó chịu…
Dấu hiệu run tay trong bệnh lý cường giáp sẽ bắt đầu từ ngón tay, bàn tay, với các biên độ nhỏ, đều đặn, tăng lên khi thay đổi cảm xúc. Tình trạng run có thể giảm nếu kiểm soát tốt bệnh tuyến giáp.

7. Run tay do lạm dụng Caffeine

Việc lạm dụng quá nhiều caffeine - nhất là ở những bạn trẻ, người làm việc trí óc… có thể làm xuất hiện triệu chứng run tay, hoặc tăng nặng tình trạng run do các nguyên nhân khác. Caffeine có mặt nhiều trong các loại thực phẩm như cafe, nước ngọt có ga, chocolate… thậm chí là trong một số loại thuốc giảm đau, không gây buồn ngủ.
 
Su-dung-nhieu-caffeine-co-the-lam-nang-them-tinh-trang-run-tay
Sử dụng nhiều caffeine có thể làm nặng thêm tình trạng run tay

8. Run tay do sử dụng nhiều rượu bia

Đồ uống có cồn cũng là một trong các nguyên nhân gây run tay thường gặp, nó có thể xuất hiện ở những người nghiện rượu hoặc cai rượu nhưng không đúng cách. Một số người thấy sau khi uống một chút rượu các triệu chứng run tay lại giảm, do đó lầm tưởng rằng rượu có thể kiểm soát được bệnh. Thực chất đây chỉ là một tác động “giả”, gây hưng phấn thần kinh tức thời. Nếu sử dụng nhiều rượu bia về lâu dài sẽ làm tổn thương các tế bào thần kinh và khiến bệnh nặng hơn. Vì vậy, nếu muốn cải thiện được chứng run, bạn bắt buộc phải cai rượu hoàn toàn.
 
Ngoài ra, bạn có thể gặp run tay trong rất nhiều các trường hợp khác nhau như bệnh huyết áp, ngộ độc kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen…), các bệnh lý về xương khớp…
 
Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây run có ý nghĩa quan trọng, để giúp bác sĩ lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, nó phải được thực hiện bởi những bác sỹ chuyên khoa thần kinh học. Bởi đôi khi một số bác sỹ không chuyên có thể chẩn đoán nhầm, dẫn đến việc điều trị không những không có tác dụng mà còn làm nặng thêm tình trạng bệnh.
DS. Đông Tây
Nguồn tham khảo: http://www.healthline.com/
BTV Lan Anh

Vương Lão Kiện Giúp giảm run tay chân, phục hồi khả năng vận động

Bình luận