Trong thời kỳ bào thai, sự hình thành tim và mạch máu diễn ra bất bình thường dẫn đến dị tật tim bẩm sinh. Khoảng 1% trẻ sinh ra bị dị tật tim bẩm sinh với các tình trạng bệnh khác nhau. Có những dị tật tim không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhưng cũng có trường hợp các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ngay khi trẻ mới chào đời hoặc khi trẻ đã lớn và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sự phát triển của trẻ.

Dị tật tim bẩm sinh ở trẻ – nguyên nhân do đâu?

Ngay từ những tháng đầu tiên của thai kì tim thai đã bắt đầu phát triển, do đó mọi tác động có hại đều có thể gây ra những dị tật về hình thái, cấu trúc của tim, mạch máu. Những dị tật tim thường gặp ở trẻ như: hẹp eo động mạch chủ, hẹp, hở van tim, thông liên nhĩ, thông liên thất…
 
Một số nguyên nhân chính dẫn đến dị tật tim bệnh sinh ở trẻ như:
- Trong thời kì mang thai, nếu người mẹ nhiễm virus (quai bị, herpes, rubella…) hay sử dụng thuốc điều trị, bổ sung vitamin liều cao mà không có chỉ định của bác sĩ và sử dụng, tiếp xúc với các chất độc hại (rượu bia, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật) có thể gây ra những khuyết tật bẩm sinh ở tim hay các cơ quan khác (não, mắt, tai..).

- Một số hiếm trường hợp dị tật bẩm sinh trong cùng một gia đình đều mắc do yếu tố di truyền.

- Đột biến gen, nhiễm sắc thể có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan của trẻ, trong đó có tim. Hội chứng Down là trường hợp điển hình với những biểu hiện như trí tuệ trẻ chậm phát triển, dị tật tại tim, khuôn mặt điển hình của bệnh…

Dấu hiệu và ảnh hưởng của dị tật tim ở trẻ

Trẻ có dị tật tìm bẩm sinh thường xuất hiện một số triệu chứng như: ho, thở khò khè, thở nhanh, tim đập nhanh, khi bú hay khóc do khó thở, lạnh hay vã mồ môi; da xanh xao, môi, đầu ngón tay, ngón chân có thể bị tím, lạnh.

Bên cạnh đó trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… và chậm phát triển, chậm lên cân, thậm chí không tăng mà còn bị sụt cân. Nguyên nhân do trẻ mắc dị tật tim sẽ bị giảm hấp thu (bú kém, ăn kém do thở nhanh, giảm hấp thu dinh dưỡng) nhưng lại có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường.

Cần kiểm tra cân nặng của trẻ hàng tháng để đánh giá mức độ tăng trưởng. Nếu trẻ chậm tăng cân hay giảm cân và xuất hiện các triệu chứng trên thì nên sớm đưa trẻ đi khám để có chẩn đoán sớm tình trạng bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh cần phải thường xuyên thăm khám định kì

Phương pháp điều trị dị tật tim bẩm sinh

Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nhẹ hầu như không có triệu chứng lâm sàng và không cần điều trị, theo dõi đặc biệt. Khoảng 1/3 trẻ dị tật nhẹ chỉ cần uống thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên của gia đình và bác sĩ.

Những trường hợp dị tật nặng, trẻ có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật ngoại khoa. Phát hiện sớm và điệu trị kịp thời có thể giúp trẻ phát triển bình thường và sống khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.

Hiện nay hai phương pháp được ứng dụng phổ biến, rộng rãi trong điều trị dị tật tim bẩm sinh cho trẻ là: Phẫu thuật mổ tim mở (chỉ định cho những trường hợp bệnh nặng và phức tạp) và can thiệp thông tim (ở những trẻ bị thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch, còn ống động mạch..). Ưu điểm là không phải mổ phanh, ít gây nhiễm khuẩn, không mất nhiều máu và thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên chi phí phẫu thuật cao và không áp dụng cho tất cả dị tật tim bẩm sinh.

Ngoài ra, có thể can thiệp tạm thời để chờ phẫu thuật toàn bộ ở một số dị tật khác như: phá vách liên nhĩ trong bệnh teo, tịt van động mạch phổi mà vách liên thất kín, đặt stent ống động mạch để duy trì dòng máu sang động mạch phổi…

Giúp trẻ dị tật tim sống khỏe mạnh như thế nào?

Khi phát hiện trẻ bị dị tật tim bẩm sinh hay trẻ bị dị tật đã được phẫu thuật thì việc khám sức khỏe định kì cho trẻ là rất quan trọng vì giúp đánh giá được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng ngừa các bệnh thường gặp khác ở mọi trẻ. Trẻ đã được phẫu thuật thường định kì khám hàng tuần hoặc hàng tháng, sau đó số lần khám có thể giảm khoảng 3 – 6 tháng/ lần.

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ:

- Trẻ bị dị tật tim thân nhiệt thường bất ổn, bởi vậy bố mẹ cần lưu ý đến thân nhiệt của trẻ thường xuyên: giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh và thoáng mát vào mùa nóng.

- Cho trẻ ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng, nên tham khảo bác sĩ hay các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn khoa học.

+ Với trẻ đang còn bú, nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày và không bú lâu vì trẻ rất dễ bị sặc, trớ sữa. Nếu trẻ không bú được thì cần vắt sữa mẹ ra cho trẻ bú.

+ Với trẻ đang ăn dặm thì cũng nên chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, tùy theo khả năng hấp thu của trẻ. Nên lựa chọn cho trẻ những thực phẩm mềm, dễ tiêu.

- Đảm bảo môi trường sống của trẻ thoáng mát, sạch sẽ, hạn chế tối đa các tác nhân vật lý, hóa học. Giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt răng miệng cho trẻ để tránh nhiễm trùng. Bà mẹ đang cho con bú nên vệ sinh đầu vu hay bình ti trước khi cho trẻ sử dụng.

 Hoạt động thể lực giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho trẻ

Hoạt động thể lực giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho trẻ

- Trẻ bị tim bẩm sinh đều có thể hoạt động vui chơi như trẻ bình thường. Trẻ nên tham gia một số hoạt động giúp tăng cường sức khỏe như bơi, đi bộ, chạy, đi xe đạp, cầu lông…; tuy nhiên không nên hoạt động quá sức, khi cảm thấy mệt thì dừng hoạt động và nghỉ ngơi. Không nên cho trẻ chơi những trò cảm giác mạnh và tránh sốc tâm lý cho trẻ.

Hoạt động thể chất giúp cho trái tim của trẻ thích nghi tốt, nâng cao sức khỏe, giúp trẻ hòa đồng và tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.

Hoạt động thể lực giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho trẻ - Trẻ bị tim bẩm sinh đều có thể hoạt động vui chơi như trẻ bình thường. Trẻ nên tham gia một số hoạt động giúp tăng cường sức khỏe như bơi, đi bộ, chạy, đi xe đạp, cầu lông…; tuy nhiên không nên hoạt động quá sức, khi cảm thấy mệt thì dừng hoạt động và nghỉ ngơi. Không nên cho trẻ chơi những trò cảm giác mạnh và tránh sốc tâm lý cho trẻ. Hoạt động thể chất giúp cho trái tim của trẻ thích nghi tốt, nâng cao sức khỏe, giúp trẻ hòa đồng và tận hưởng cuộc sống một cách bình thường.

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận