Ngoài xét nghiệm đường huyết, một số triệu chứng điển hình giúp chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường như: uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều, mệt mỏi.

Để chẩn đoán bệnh tiểu đường, chúng ta dựa trên những triệu chứng lâm sàng và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho người bệnh.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy rất đói, rất mệt mỏi, kèm với khát và đi tiểu nhiều, có thể bạn đã bị tiểu đường. Theo Ủy ban Dịch vụ con người và Sức khỏe Mỹ, các triệu chứng thường gặp của tiểu đường bao gồm:
Uống nhiều, khát nhiều là một trong những dấu hiệu chẩn đoán tiểu đường

Uống nhiều, khát nhiều là một trong những dấu hiệu chẩn đoán tiểu đường

* Khát nước, uống nhiều và tiểu nhiều: Khi đường huyết tăng cao trong máu, dịch sẽ bị kéo ra khỏi mô để pha loãng máu và kích thích gây khát. Đồng thời sự có mặt của nhiều đường trong nước tiểu sẽ làm lượng nước bị mất nhiều hơn. Hậu quả là bệnh nhân tăng khát, phải uống nước nhiều và sẽ tiểu nhiều hơn bình thường (thường từ 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ).
* Đói và mệt mỏi: Không đủ insulin, đường không vào được tế bào, cơ thể thiếu năng lượng, gây ra cảm giác đói và mệt mỏi.
* Sút cân: Do các tế bào không sử dụng được glucose để tạo năng lượng, nên cơ thể dùng nguồn năng lượng dự trữ khác để thay thế là cơ và mỡ, dẫn đến sút cân.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể nhìn mờ, thường xuyên nhiễm trùng hoặc các vết thương không lành, tê hoặc ngứa ran ở tay chân, da khô và ngứa.
Khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng trên, hãy đi khám bác sĩ để kiểm tra tiểu đường, đặc biệt nếu bạn trên 45 tuổi.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường

Tháng 1/2010, với sự đồng thuận của Ủy ban các chuyên gia Quốc tế, Hiệp hội nghiên cứu đái tháo đường (ĐTĐ) Châu Âu (EASD), Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF); Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) đã công bố tiêu chuẩn mới nhất chẩn đoán bệnh ĐTĐ. Đưa HbA1c vào tiêu chí chẩn đoán và lấy điểm cắt ≥ 6,5%. Trong đó xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện ở phòng xét nghiệm được chuẩn hoá theo chương trình chuẩn hoá Glyco-hemoglobin Quốc Gia (National Glyco-hemoglobin Standardlization Program: NGSP). Tuy nhiên không dùng HbA1c để chẩn đoán bệnh ĐTĐ trong các trường hợp thiếu máu, bệnh Hemoglobin, những trường hợp này chẩn đoán ĐTĐ dựa vào đường huyết lúc đói.

Tiêu chuẩn chẩn đoán mới như sau:

- HbA1c ≥ 6,5%
- Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (7 mmol/L) sau một đêm nhịn đói ít nhất sau 8 giờ (≥ 2 lần thử)
- Đường huyết bất kỳ ≥ 200mg/dL (11,1mmol/L) + triệu chứng tăng đường huyết.
- Đường huyết 2 giờ sau uống 75g Glucose ≥ 200mg/dL (≥ 2 lần thử)
Các xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ như có triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.
Trường hợp vẫn nghi ngờ có ĐTĐ nên lập lại xét nghiệm 3 - 6 tháng sau.
Trong một ấn bản công bố vào đầu năm 2011, Tổ chức y tế thế giới đã chấp nhận việc đưa HbA1c vào tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, lấy điểm cắt ≥ 6,5% và phải được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn NGSP như đã nói ở trên.

Kiểm tra đường huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường sớm

Kiểm tra đường huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường sớm

Các chỉ số đường huyết bình thường (theo ADA):
- Đường huyết bình thường lúc đói < 100 mg/dl (< 5,6 mmol/L).
- Đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose < 140mg/dl ( < 7,8mmol/L) là dung nạp glucose bình thường.
- HbA1c < 5,7%.
ADA cũng đưa ra nhóm có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ:
- Rối loạn đường huyết lúc đói: 100 - 125 mg/dl (5,6 - 6,9 mmol/l)
- Rối loạn dung nạp glucose: 140 - 199mg/dl (7,8 - 11mmol/l)
- HbA1c: 5,7 - 6,4%

Tiêu chí thử đường huyết ở các đối tượng không có triệu chứng:

Phát hiện sớm bệnh ĐTĐ typ 2 có thể làm giảm gánh nặng của bệnh và các biến chứng. Năm 1998, WHO đã đưa ra tiêu chí tầm soát bệnh ĐTĐ ở một số đối tượng nguy cơ và năm 2010 ADA bổ sung thêm tiêu chí tầm soát ở đối tượng có HbA1c > 5,7%.
Các đối tượng cần tầm soát bệnh ĐTĐ bao gồm: Mọi đối tượng ≥ 45 tuổi, đặc biệt BMI ≥ 25kg/m2, lập lại mỗi 3 năm nếu kết quả âm tính.

Các đối tượng sau được tầm soát ở tuổi trẻ hơn và lập lại gần hơn:

- Ít vận động.
- Gia đình có trực hệ gần bị đái tháo đường.
- Là thành viên của sắc tộc có nguy cơ cao.
- Phụ nữ sinh con > 4kg hoặc có đái tháo đường thai kỳ.
- Tăng HA ( HA ≥ 140/90 mmHg).
- HDL < 35mg/dl và hoặc Triglycerid > 250mg/dl.
- Lần thử trước có rối loạn đường huyết đói và hoặc có rối loạn dung nạp glucose.
- HbA1c > 5,7%.
- Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang.
- Gia đình có tiền sử bệnh mạch vành.

Nghiệm pháp dung nạp glucose

Thường được sử dụng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Đối tượng nhịn đói qua đêm (ít nhất là 8 giờ nhưng không lớn hơn 16 giờ), trước tiên làm xét nghiệm glucose máu lúc đói, sau đó được cho uống 75g glucose và lấy mẫu máu sau 2 giờ để xét nghiệm.

Ds. Việt Ánh

BTV Lan Anh

Hộ Tạng Đường - Hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh do đái tháo đường

Bình luận