Hệ tuần hoàn là bộ phận quan trọng bậc nhất với chức năng vận chuyển oxygen và chất dinh dưỡng tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Mỗi ngày tim co bóp khoảng 100.000 nhịp, luân chuyển 7.500 lít máu thông qua hệ thống mạch máu. Do vậy, chỉ cần một trục trặc nhỏ của hệ thống mạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tim và ngược lại.

Xơ vữa động mạch - bệnh tim mạch thường gặp

Xơ vữa động mạch - bệnh tim mạch thường gặp

Bệnh tim mạch nói chung bao gồm bệnh của tim và hệ thống mạch, đó là: tim bẩm sinh, bệnh về van tim, rối loạn nhịp tim, phình động - tĩnh mạch, tắc nghẽn động mạch, tăng huyết áp, xơ vữa mạch… Trong đó hay gặp là bệnh động mạch vành. Đây là động mạch duy nhất để cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim, nếu tắc hẹp sẽ làm cho sự lưu thông máu tới tim bị gián đoạn, nhẹ là các cơn đau tức ngực, nặng là nhồi máu cơ tim, đột tử.

Những nguy cơ không thể phòng tránh được

Nguy cơ là những yếu tố làm cho người này dễ bị mắc bệnh hơn người khác, không hẳn sẽ bị bệnh, mà chỉ là “có thể”. Tuy nhiên, có những nguy cơ không thể phòng tránh được: giới tính, yếu tố gia đình, tuổi tác.

Thông thường thì nam giới hay bị suy tim hơn nữ giới, nhưng tỷ lệ này được cân bằng khi phái nữ ở giai đoạn mãn kinh. Lý do giải thích là tim mạch của nữ giới được nội tiết tố nữ bảo vệ che trở trong độ tuổi sinh đẻ. Tới tuổi mãn kinh, nội tiết tố nữ suy giảm nhiều nên nguy cơ tim mạch lớn.

Yếu tố gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng, bệnh tim mạch thường xẩy ra đối với những người trong cùng một gia đình, nếu bố mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tim thì tới tuổi 55, con cái cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh đó.

Tuổi tác với bệnh tim mạch dường như là một quy luật tất yếu. Tuổi cao, tim thường yếu đi, cơ tim dầy hơn, động mạch cứng lại và khả năng bơm & hút máu của tim trở nên khó khăn hơn.

Hiểu biết về bệnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh

Bên cạnh những nguy cơ không thể phòng tránh được thì có một số nguy cơ có thể phòng tránh và kiểm soát được như: Cao huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh tiểu đường, béo phì, thói quen không tốt trong sinh hoạt (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ít vận động thể lực…). Nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của người bệnh về tình trạng sức khỏe của mình.

Trong bệnh tăng huyết áp, thành động mạch thường bị xơ cứng nên độ đàn hồi kém. Huyết áp càng cao thì tim càng phải gắng sức nhiều hơn để thắng sức cản của mạch máu, lâu ngày cơ tim dầy lên và nhanh chóng bị suy.

Tăng cholesterol trong máu: Cholesterol là một loại chất béo cần cho các chức năng của cơ thể, nhưng nếu cholesterol trong máu tăng cao vượt quá giới hạn bình thường thì nguy cơ xơ vữa mạch cũng tăng theo (do cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu, cản trở sự lưu thông của máu). Hậu quả là tim sẽ thiếu chất dinh dưỡng, tế bào tim bị hủy hoại gây nên cơn đau tim.

Bệnh tiểu đường làm thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch là cơ hội cho bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim xuất hiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ & mắc các bệnh về tim mạch gấp 2 lần người bình thường. Ngoài ra một số thói quen không tốt cũng gây nguy hại cho tim: hút thuốc lá làm tăng nhịp tim & co thắt động mạch vành, tăng huyết áp, gây tổn thương cho tế bào nội mạc mạch máu, làm chất béo kết tụ trong động mạch; Lối sống ít vận động, sử dụng nhiều đồ ăn nhanh… cũng góp phần gia tăng các bệnh về tim mạch.

Để hạn chế các nguy cơ về tim mạch người bệnh cần kiểm soát huyết áp, đường huyết, lipid máu trong giới hạn cho phép, đồng thời kết hợp thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt theo chiều hướng tích cực (bỏ thuốc lá; hạn chế rượu bia; tăng cường vận động thể lực).

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận