Nhận biết sớm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim để được cấp cứu kịp thời là chìa khóa quan trọng giúp người bệnh sống sót và hồi phục sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm của nó như suy tim, nhịp tim nhanh hay nhồi máu cơ tim tái phát…

Chẩn đoán và đánh giá nhồi máu cơ tim

Nhiều người xuất hiện cơn đau thắt ngực mà không do nhồi máu cơ tim, điển hình như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh cơ ngực, túi mật… Vì vậy, các xét nghiệm sau đây sẽ được sử dụng để chẩn đoán cơn đau tim:

- Điện tâm đồ: Cho thấy những thay đổi điển hình của tim trong các cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp điện tâm đồ bình thường ngay cả khi bạn đã có cơn nhồi máu cơ tim.

- Xét nghiệm máu: Định lượng chất hóa học là troponin trong các tế bào cơ tim để chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim. Khi cơ tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, nồng độ troponin trong máu sẽ tăng theo quy luật: mức troponin tăng trong vòng 3 - 12 giờ sau khi khởi phát đau ngực, đạt đỉnh tại khoảng 24 - 48 giờ và trở lại mức bình thường sau 5-14 ngày. Một chất khác có thể được đo là Creatine kinase – có nguồn gốc từ các tế bào cơ tim trong nhồi máu cơ tim.

- Siêu âm tim, xạ hình tưới máu cơ tim: Để chẩn đoán xác định hoặc phát hiện biến chứng của cơn đau tim như suy tim, rối loạn nhịp tim nếu có nghi ngờ.

Hệ thống máy xạ hình ghi lại hình ảnh tưới máu cơ tim

Hệ thống máy xạ hình ghi lại hình ảnh tưới máu cơ tim

- Đánh giá nhồi máu cơ tim trước khi xuất viện: Người bệnh sẽ được kiểm tra đánh giá mức độ nghiêm trọng của các mảng xơ vữa động mạch vành bằng cách chụp điện tâm đồ khi vận động trên máy chạy bộ hoặc xe đạp hoặc chụp động mạch vành. Trong thử nghiệm này, một chất nhuộm màu được tiêm vào các động mạch vành và được phát hiện bởi các thiết bị X-quang đặc biệt, cho thấy cấu trúc của động mạch vành và có thể hiển thị vị trí, cũng như mức độ nghiêm trọng của các mảng xơ vữa.

Điều trị nhồi máu cơ tim như thế nào?

Tùy thuộc vào tình hình thực tế của bệnh nhân, phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim có thể thay đổi nhưng cơ bản vẫn tuân theo nguyên tắc sau đây:

Aspirin và thuốc kháng tiểu cầu khác

Nên được sử dụng càng sớm càng tốt sau khi nghi ngờ nhồi máu cơ tim. Aspirin giúp làm làm giảm độ kết tập tiểu cầu – là những hạt rất nhỏ trong máu gây ra cục máu đông. Các thuốc kháng tiểu cầu khác như clopidogrel hay ticagrelor cũng có tác dụng giảm kết dính tiểu cầu nhưng thông qua cơ chế khác so với aspirin.

Tiêm heparin hoặc thuốc tương tự

Heparin là một thuốc chống đông, nó được sử dụng trong khoảng vài ngày để giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành thêm.

Giảm đau

Người bệnh có thể được tiêm tĩnh mạch một loại thuốc giảm đau mạnh như morphine để giảm cơn đau do nhồi máu cơ tim.

Phục hồi lưu lượng máu trong động mạch vành

Nếu lưu lượng máu được phục hồi ngay trong vòng một vài giờ sau khi xảy ra nhồi máu cơ tim, phần lớn các cơ tim tưởng như đã bị tổn thương hoặc hoại tử sẽ được hồi phục. Đây là lý do tại sao người bệnh nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu và điều trị trong thời gian nhanh nhất, lưu lượng máu được phục hồi càng sớm, người bệnh càng có triển vọng sống sót. Có 2 phương pháp điều trị có thể giúp lưu thông máu tại các động mạch bị tắc:

• Nong mạch vành cấp: Tốt nhất nên thực hiện ngay hoặc trong vòng một vài giờ kể từ khi có triệu chứng đau tim. Trong phương pháp này, một sợi dây nhỏ được gắn quả bóng chưa bơm, được đưa vào động mạch lớn ở bẹn hoặc cánh tay. Sau đó, nó được chuyển đến động mạch vành bị tắc nghẽn dưới sự hướng dẫn trên X-quang. Tại vị trí mạch vành cần nong, quả bóng được thổi lên để mở rộng mạch ra, bác sỹ có thể đưa 1 stent vào phần động mạch vừa thông để đảm bảo mạch không bị co lại khi rút ống thông ra.

Kỹ thuật nong mạch vành cấp

Kỹ thuật nong mạch vành cấp

• Tiêm 1 thuốc làm tan huyết khối: là phương pháp thay thế cho nong mạch khẩn cấp, có thể tiến hành một cách dễ dàng và nhanh chóng trong hầu hết các tình huống. Một số nhân viên trên xe cứu thương sẽ được đào tạo để tiến hành phương pháp này. Một thuốc làm tan huyết khối thường được sử dụng ở Anh là streptokinase, nhưng nó chỉ nên được dùng 1 lần trong đời do sau khi sử dụng, cơ thể đã tự sinh ra kháng thể chống lại tác dụng của nó. Trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu cơ tim lần 2, nên sử dụng 1 loại thuốc làm tan huyết khối khác.

Cả hai phương pháp điều trị trên thường có hiệu quả cao trong việc phục hồi lưu lượng máu và cải thiện tình trạng cho người bệnh. Quan trọng nhất là chúng được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể và cần phối hợp với phương pháp điều trị khác.

Thuốc chẹn beta giao cảm

Giúp ngăn chặn tác động của một số hormone như adrenaline (epinephrine) – yếu tố gây tăng tốc độ tuần hoàn tới tim và tăng nhịp tim. Ngoài ra, nó còn có tác dụng bảo vệ cơ tim, ngăn chặn rối loạn nhịp tim và các cơn nhồi máu cơ tim khác.

Insulin

Một số người lại tăng đường huyết khi bị nhồi máu cơ tim, ngay cả khi họ không có bệnh tiểu đường. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh cần được kiểm soát lượng đường trong máu bằng insulin. Nhưng nếu họ đang bị tiểu đường và đang dùng thuốc đường uống, thì cần chuyển sang điều trị bằng insulin.

Oxy

Người bệnh có thể được cho thở oxy để làm giảm nguy cơ tổn thương cơ tim.

Điều trị sau nhồi máu cơ tim

Thông thường, bệnh nhân sau khi hồi phục sẽ được chỉ định dùng thuốc suốt đời để phòng tránh tái phát nhồi máu cơ tim và các biến chứng nguy hiểm của nó. 4 loại thuốc sau đây thường được lựa chọn:

Aspirin: Để làm giảm độ kết dính của các tiểu cầu trong máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Nếu bạn dị ứng với aspirin, có thể thay thế bằng một số loại thuốc kháng tiểu cầu khác như clopidogrel hay ticagrelor.

Thuốc chẹn beta giao cảm: Để làm chậm nhịp tim và làm nguy cơ nhịp tim nhanh bất thường.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Ngoài tác dụng chính là giảm huyết áp, các thuốc ACE còn có tác dụng bảo vệ tim.

Thuốc statin: Để làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nhằm ngăn chặn sự tích tụ các mảng xơ vữa.

Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyên dùng các thuốc kháng tiểu cầu hoặc clopidogrel, ticagrelor bên cạnh aspirin trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhồi máu cơ tim trước đó. Hoặc dùng thêm thuốc điều trị biến chứng của cơn đau tim nếu có (điển hình như chứng tim đập nhanh).

Có nên hoạt động sau nhồi máu cơ tim?

Hầu hết người bệnh đều thắc mắc về chế độ sinh hoạt và luyện tập sau nhồi máu cơ tim như thế nào là tốt? Nhiều người vì quá lo lắng cho sức khỏe nên chỉ nghỉ ngơi một chỗ, không làm việc, sợ vận động sẽ ảnh hưởng tới tim. Một số người khác đã từ bỏ công việc, sở thích của họ, và bất kỳ hoạt động gắng sức nào do sợ căng thẳng hay gây áp lực lên tim. Tuy nhiên, lời khuyên của bác sỹ dành cho bạn là hãy tập thể dục thường xuyên và quay trở lại với cuộc sống và công việc bình thường. Thực tế là nhiều người thực hiện lời khuyên này đã hoàn toàn hồi phục sau nhồi máu cơ tim. Nhờ đó, họ còn có thể giảm được nguy cơ tái nhồi máu cơ tim.

Thay đổi thói quen từ bây giờ để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim

- Hút thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, hãy lên kế hoạch từ bỏ ngay từ hôm nay.

- Tăng huyết áp: Bạn cần tuân thủ liệu trình điều trị để giữ huyết áp ở mức cho phép.

- Thừa cân: Nên tham khảo bác sĩ để biết đượ số cân nặng cần giảm. Giảm cân sẽ làm giảm áp lực lên tim, giảm huyết áp, và giảm nhiều chỉ số có hại khác.

- Cholesterol máu cao: Cần điều trị sớm để giảm khả năng hình thành mảng xơ vữa.

- Lười vận động: Bạn nên cố gắng làm một số hoạt động thể chất vừa sức như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, nhảy múa, làm vườn… ít nhất 30 phút vào tất cả các ngày trong tuần.

- Chế độ ăn uống: Nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả tươi và giảm chất béo.

- Bệnh tiểu đường: Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ đau tim cao hơn so với người bình thường. Nguy cơ này có thể được giảm bằng cách kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol và nồng độ glucose trong máu.

Nhồi máu cơ tim nếu được cấp cứu kịp thời, chăm sóc tốt sau khi xuất viện có thể giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn. Nhưng trước mắt, bạn nên thay đổi những thói quen xấu, xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ của các bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng.

Xem phần I: Nhồi máu cơ tim

 

Nguồn tham khảo:
http://patient.info/
http://vnha.org.vn/

BTV Lan Anh

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận