Trái tim có 4 van, mỗi van giống như những cánh cửa đóng và mở nhịp nhàng theo từng nhịp co bóp của tim, cho phép máu chảy qua các buồng tim đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Bất kỳ rối loạn nào ở van tim đều có thể ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim, đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bốn van tim bao gồm:

- Van ba lá (tricuspid valve) nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.

- Van động mạch phổi (pulmonary valve) nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.

- Van hai lá (mitral valve) nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái.

- Van động mạch chủ (aortic valve) nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ.

Khi tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái co bóp, van hai lá và van ba lá mở ra cho phép dòng máu chảy vào tâm thất phải và tâm thất trái. Sau đó, các van này đóng lại, ngăn dòng máu chảy ngược trở lại tâm nhĩ. 

He-thong-cac-van-tim
Hệ thống các van tim

Tâm thất bắt đầu co bóp khi được bơm đầy máu. Khi đó, van động mạch chủ mở để máu chảy từ tâm thất trái vào động mạch chủ, van động mạch phổi mở để máu chảy từ tâm thất phải vào động mạch phổi. Động mạch phổi mang máu nghèo oxy (deoxygenated blood) từ tim đến phổi, động mạch chủ mang máu giàu oxy (oxygen-rich blood) đến các phần còn lại của cơ thể.

Nhiệm vụ của các van tim là đảm bảo dòng máu lưu thông theo một chiều, không chảy ngược lại. Bệnh van tim xảy ra khi van tim không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. 

Các bệnh van tim thường gặp

Có nhiều nguyên nhân khiến van tim không thực hiện được nhiệm vụ của mình, phổ biến là:

Hẹp van tim (Valvular Stenosis)

Hẹp van tim là tình trạng van tim không thể mở hoàn toàn, tức là lượng máu chảy qua van ít hơn bình thường. Hẹp van có thể xảy ra ở bất kỳ van tim nào, nguyên nhân là do sự dày hoặc cứng của van tim.

Các triệu chứng của hẹp van tim bao gồm:

- Tức ngực

- Khó thở

- Mệt mỏi

- Ngất xỉu

Hẹp van tim là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với hở van tim. Tùy thuộc vào mức độ hẹp và tuổi tác của người bệnh, có thể được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật để thay hoặc sửa van.

Hở van tim (Valvular Regurgitation)

Ho-van-hai-la-khien-mau-chay-nguoc-tro-lai-tam-nhi-trai
Hở van hai lá khiến máu chảy ngược trở lại tâm nhĩ trái

Van tim không đóng hoàn toàn, làm cho máu chảy ngược trở lại buồng tim trước được gọi là hở van tim. Các triệu chứng hở van tim bao gồm:

- Khó thở

- Ho 

- Mệt mỏi

- Đánh trống ngực

- Đầu lâng lâng

- Sưng bàn chân và mắt cá chân

Ảnh hưởng của tình trạng hở van khác nhau ở từng người, vì thế phương pháp điều trị cũng khác nhau. Một số bệnh nhân hở mức độ rất nhẹ (hở ¼) còn được gọi là hở van sinh lý, thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ cần theo dõi. Nếu mức độ hở nặng hơn và đã xuất hiện các triệu chứng, người bệnh có thể cần dùng thuốc để giảm sự ứ trệ máu trong tuần hoàn hoặc phẫu thuật sửa/thay van.

Sa van hai lá (Mitral Valve Prolapse)

Sa van hai lá xảy ra khi van hai lá không đóng đúng cách, khi tâm thất trái co, van hai lá phồng lên (sa) trở lại tâm nhĩ, khiến cho máu chảy ngược vào tâm nhĩ trái.

Đa số trường hợp sa van hai lá không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần được điều trị nếu có các triệu chứng sau:

- Đánh trống ngực

- Khó thở

- Tức ngực

- Mệt mỏi

- Ho 

Phương pháp điều trị sa van hai lá bao gồm phẫu thuật sửa van hoặc thay van hai lá.

Van động mạch chủ hai mảnh (Bicuspid Aortic Valve Disease)

Van động mạch chủ hai mảnh là khuyết tật tim bẩm sinh, tức là từ khi sinh ra, van động mạch chủ chỉ có hai lá thay vì ba lá như bình thường. Trong các trường hợp rất nặng, trẻ nhỏ có biểu hiện của bệnh ngay từ khi mới chào đời. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc căn bệnh này không biểu hiện triệu chứng và không được chẩn đoán cho tới khi trưởng thành. Thậm chí, một số người sống hàng chục năm khỏe mạnh mà không biết mình có bệnh van động mạch chủ hai mảnh. 

Trong-benh-van-dong-mach-chu-hai-manh-van-dong-mach-chu-chi-co-2-la-thay-vi-3-la-nhu-binh-thuong

Trong bệnh van động mạch chủ hai mảnh, van động mạch chủ chỉ có 2 lá thay vì 3 lá như bình thường

Các triệu chứng của bệnh van động mạch chủ hai mảnh:

- Khó thở khi gắng sức

- Tức ngực

- Chóng mặt

- Ngất xỉu

Đa số các trường hợp van động mạch chủ hai mảnh có thể điều trị thành công bằng phẫu thuật sửa van. Theo bệnh viện Cleveland (Mỹ), 80% số người mắc bệnh này cần phẫu thuật để thay thế van, thường là trong độ tuổi 30 hoặc 40.

Các triệu chứng của bệnh van tim

Thông thường, sự xuất hiện của các triệu chứng đồng nghĩa cho thấy bệnh đã ảnh hưởng đến chức năng tim và lưu lượng tuần hoàn máu. Nhiều bệnh nhân có bệnh van tim mức độ nhẹ hoặc vừa không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Những người khác có thể trải qua các triệu chứng sau:

- Khó thở

- Đánh trống ngực

- Mệt mỏi

- Tức ngực

- Chóng mặt

- Ngất xỉu

- Đau đầu

- Ho

- Loạn nhịp tim

- Sưng phù ở chi dưới, bụng, phù phổi do tích nước.

Nguyên nhân gây bệnh van tim

Bệnh van tim có thể xuất hiện từ khi sinh ra (dị tật tim bẩm sinh) hoặc do các nguyên nhân khác, bao gồm:

- Viêm nội mạc tim (viêm mô tim)

- Sốt thấp khớp (bệnh do nhiễm khuẩn Streptococcus nhóm A)

- Một cơn nhồi máu cơ tim

- Bệnh động mạch vành (sự tắc hẹp và xơ cứng động mạch cung cấp máu nuôi tim)

- Bệnh cơ tim, bao gồm những thay đổi do thoái hóa ở cơ tim

- Giang mai (một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, hiếm gặp)

- Tăng huyết áp

- Phình động mạch chủ 

- Thoái hóa myxomatous (sự suy yếu của các mô liên kết trong van hai lá do rối loạn chuyển hóa năng lượng trong cơ thể)

- Lupus (một bệnh tự miễn mạn tính).

Bệnh van tim được chẩn đoán như thế nào?

Nếu người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ bệnh van tim, bác sỹ sẽ bắt đầu chẩn đoán bằng cách nghe tim với ống nghe để phát hiện nhịp tim bất thường có liên quan đến vấn đề về van tim. Bên cạnh đó, bác sỹ sẽ nghe tiếng phổi và kiểm tra cơ thể bệnh nhân để xem có dấu hiệu ứ trệ dịch hay không. 

Một số xét nghiệm khác được dùng để chẩn đoán bệnh van tim bao gồm:

- Điện tâm đồ (ECG) cho thấy hoạt động điện của tim, giúp phát hiện nhịp tim bất thường

- Siêu âm tim cho thấy hình ảnh của các buồng tim và van tim

- Thông tim cho thấy hình ảnh rõ nét của tim và mạch máu, giúp bác sỹ xác định loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim.

- Chụp X-quang giúp xác định chứng tim to (enlarged heart)

- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết của tim, giúp chẩn đoán bệnh van tim và xác định hướng điều trị tốt nhất đối với tình trạng của bệnh nhân.

- Thử nghiệm gắng sức (Stress test) để xác định các triệu chứng của người bệnh khi hoạt động gắng sức, điều này giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim.

Điều trị bệnh van tim

Việc điều trị bệnh van tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và triệu chứng. Hầu hết các bác sỹ tim mạch đều khuyến khích bệnh nhân bắt đầu với điều trị duy trì, bao gồm: Theo dõi phù hợp, bỏ hút thuốc lá và áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.

Các loại thuốc thường được chỉ định cho người bệnh van tim:

- Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh calci: Giúp kiểm soát nhịp tim và lưu lượng máu.

- Thuốc lợi tiểu: Để giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn

- Thuốc giãn mạch: Để mở rộng/làm giãn các mạch máu

Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh cần làm phẫu thuật sửa van hoặc thay van mới. Valvuloplasty – thủ thuật tạo hình van tim cũng có thể được sử dụng để điều trị hẹp van.

Tiên lượng bệnh van tim phụ thuộc vào loại hình và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khi được chẩn đoán mắc bệnh van tim, bạn cần theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ để làm chậm quá trình phát triển của bệnh.

Biên tập viên sức khỏe Đông Tây

Tham khảo: http://www.healthline.com/health/heart/valve-disorders#Overview1 

Ích Tâm Khang –  Hỗ trợ giảm khó thở, hồi hộp, xơ vữa mạch vành ở người bệnh tim mạch, suy tim

Bình luận