Nong vành và đặt stent, gọi chung là can thiệp mạch vành qua da, là những thủ thuật được chỉ định cho người mắc bệnh mạch vành, nhằm làm tái lưu thông dòng máu nuôi tim. Ưu điểm của các thủ thuật này là đơn giản, làm tăng hiệu quả lưu lượng máu và oxy qua động mạch bị tắc mà không cần phẫu thuật. Nhưng phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định, trong đó phổ biến nhất là tái tắc hẹp mạch vành, với tỷ lệ có thể lên đến 50% các trường hợp. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, cách phòng ngừa cũng như điều trị tình trạng tái tắc hẹp sau can thiệp mạch vành.

Tại sao xảy ra tái hẹp sau khi can thiệp mạch vành?

Trong kỹ thuật can thiệp mạch vành, một ống thông nhỏ (catheter) có gắn bóng (và giá đỡ kim loại) sẽ được đưa qua động mạch đùi hay cổ tay. Đến vùng động mạch bị tắc, bóng được thổi lên làm mở rộng động mạch (nong mạch), và giá đỡ được để lại trong lòng mạch để giữ cho động mạch luôn mở (stent mạch vành).

Dù nong mạch, đặt stent hay bất kỳ phương pháp tạo hình mạch máu nào khác đều có thể gây chấn thương mạch máu. Do lực tác động của bóng/stent ép chặt các mảng xơ vữa vào thành mạch để mở rộng lòng mạch, các tế bào mạch máu sẽ ít nhiều bị tổn thương. Tác động này làm kích hoạt một chuỗi các phản ứng viêm, tạo hạt, tu sửa tế bào và tăng sinh tế bào cơ trơn, cuối cùng dẫn đến tái hẹp.

Mặt khác, tại vị trí mạch bị tổn thương, các tế bào nội mô khỏe mạnh tiếp tục sản sinh và thay thế tế bào yếu hoặc đã chết. Nếu tế bào nội mô phát triển nhanh chóng, chúng có thể đẩy các stent ra khỏi vị trí được cố định ban đầu và gây tắc hẹp mạch vành trở lại. Đây có thể xem như kết quả của việc "tự chữa bệnh" của mạch máu sau những chấn thương gây ra bởi quá trình tạo hình mạch, biểu hiện bằng tái hẹp ngay trong vòng 6 đến 12 tháng sau thủ thuật.

Hình ảnh stent trong trong lòng động mạch

Hình ảnh stent trong trong lòng động mạch

Tái hẹp cũng có thể là kết quả của sự tái phát xơ vữa động mạch – nguyên nhân khiến người bệnh phải trải qua thủ thuật can thiệp mạch vành. Tuy nhiên, tái hẹp do xơ vữa động mạch có xu hướng xuất hiện rất lâu sau khi thực hiện các thủ thuật tạo hình mạch khoảng trên một năm hoặc hơn.

Nong vành hay đặt stent có tỉ lệ tái hẹp cao hơn?

Đối với nong mạch vành: Tái hẹp có thể xảy ra ngay trong những ngày đầu tiên của thủ thuật. Do phương pháp này chỉ sử dụng một dụng cụ tác động vào động mạch mà không cố định được mạch vành nên tái hẹp xảy ra trong khoảng 30 % các ca ở giai đoạn đầu và lên tới 40-50% các ca sau thủ thuật 3-12 tháng.

Đối với phương pháp đặt stent: Có 2 loại stent cơ bản là stent kim loại trần (Bare metal stent - BMS) và stent có gắn thuốc chống tái hẹp (Drug eluting stent – DES). So với nong mạch đơn thuần, việc sử dụng ống đỡ động mạch bằng kim loại - BMS giúp làm giảm nguy cơ tái hẹp sau thủ thuật xuống khoảng 20% - 30% trong 12 tháng. Sự ra đời của loại stent thế hệ mới DES làm nguy cơ tái hẹp sau thủ thuật giảm hiệu quả hơn, chỉ còn dưới 10%.

Chính vì thế, phương pháp nong vành được sử dụng trong khi cấp cứu, cần thông mạch gấp, còn về lâu dài, người bệnh vẫn nên được đặt stent kết hợp thuốc để giảm thiểu nguy cơ tái hẹp mạch vành.

Điều trị tái tắc hẹp mạch vành sau khi đặt stent và nong vành

Có rất nhiều lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân tái hẹp sau khi đặt stent. Bước đầu tiên trong điều trị là xem xét lại vị trí stent, vì sao xảy ra tắc hẹp, các thông tin bệnh nhân bao gồm độ tuổi, tiền sử bệnh tim mạch, và các bệnh lý khác kèm theo. Các thử nghiệm như siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và chụp cắt lớp vi tính gắn kết quang học (OCT) sẽ được tiến hành để đánh giá rõ hơn tình trạng lòng động mạch. Dưới đây là một số phương pháp điều trị tái tắc hẹp mạch vành sau phẫu thuật:

Thay đổi vị trí và mở rộng các stent

Mạch vành hẹp trở lại có thể do các stent không được đặt ở vị trí chính xác hoặc mở rộng không đúng cách. Thử nghiệm siêu âm trong lòng mạch có thể kiểm tra và phát hiện vấn đề này. Khi đó, giải pháp đơn giản nhất là tái mở rộng stent, sử dụng stent có gắn thuốc để ngăn ngừa tái hẹp.

Sử dụng stent có gắn thuốc (DES)

Nếu bệnh nhân ban đầu được điều trị bằng stent kim loại trần (BMS), thủ thuật thay thế: tái nong mạch và đặt stent thứ 2 (DES) tại vị trí tái hẹp sẽ mang lại hiệu quả nong mạch trong thời gian dài.

Nếu DES đã được sử dụng từ đầu nhưng bệnh nhân vẫn xảy ra tình trạng tái tắc hẹp, việc điều trị phụ thuộc vào loại tắc nghẽn đã hình thành. Nếu khu vực tắc nghẽn rất ngắn, hướng điều trị tốt nhất là giữ stent tại chỗ và sử dụng bóng nong để khơi thông vị trí tắc nghẽn. Nếu khu vực tắc nghẽn dài và bệnh nhân không có tái hẹp trước đó, một loại DES gắn thuốc khác được xem là là giải pháp tốt nhất. Khi tắc nghẽn tái phát rất nhiều lần hoặc tắc nghẽn xảy ra ở nhiều vị trí stent thì phẫu thuật là giải pháp cần thiết.

Phẫu thuật

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sử dụng mạch máu từ các bộ phận khác của cơ thể để tạo ra một đường chảy tắt từ động mạch chủ tới phía sau vị trí tắc hẹp của nhánh động mạch vành. Những mạch máu được lấy ở đùi, cánh tay được nối trực tiếp vào phía sau vị trí tắc hẹp của động mạch vành tổn thương. Qua các cầu nối ấy, máu có thể chảy qua những nơi hẹp tắc và đến phần cơ tim được nuôi dưỡng bởi nhánh mạch vành đó nhiều hơn. Nhờ đó, phục hồi được lưu lượng máu bình thường đến tim. Phẫu thuật này là lựa chọn điều trị tốt cho bệnh nhân tái hẹp động mạch vành, đặc biệt là những người đang bị bệnh tiểu đường.

Kỹ thuật nong mạch vành kết hợp stent

Kỹ thuật nong mạch vành kết hợp stent

Chăm sóc sau phẫu thuật để ngăn ngừa tái hẹp

Từ thời điểm phẫu thuật cho đến khi các động mạch quanh stent được chữa lành luôn tồn tại nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc stent. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng tiểu cầu là bắt buộc sau phẫu thuật mạch vành. Những bệnh nhân có stent kim loại trần và người có nguy cơ cao cần dùng thuốc kháng tiểu cầu trong ít nhất 4 tuần sau khi phẫu thuật. Những bệnh nhân đặt stent gắn thuốc cần phải uống thuốc kháng tiểu cầu trong ít nhất một năm sau phẫu thuật. Một số loại thuốc sử dụng phổ biến là: clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient), ticagrelor (Brilinta) và aspirin. Ngoài tác dụng kháng tiểu cầu, aspirin còn giúp dự phòng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Nếu bạn hoặc người thân đang cân nhắc sử dụng hay ngừng bất kỳ loại thuốc nào sau khi đặt stent, đừng tự ý quyết định mà hãy hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

Phòng ngừa tái tắc hẹp mạch vành

Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh là cần thiết đối với các bệnh nhân đã từng trải qua phẫu thuật nong hoặc đặt stent mạch vành để tránh tái hẹp trong tương lai và tăng cường hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Nếu bạn đã từng phẫu thuật tạo hình mạch vành, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

- Tích cực đưa chỉ số mỡ máu đến phạm vi tốt nhất có thể bằng cách luyện tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim: Giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, ngũ cốc, các loại cá chứa nhiều omega 3, 6, 9; hạn chế mỡ động vật, đường, muối trong thức ăn hàng ngày.

- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì nên kiểm soát tốt đường huyết và biến chứng do bệnh này gây ra. Bởi sự rối loạn đường sẽ kéo theo hàng loạt rối loạn chuyển hóa khác như đạm, mỡ… gây biến chứng trên tim mạch bao gồm bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim

- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Là cách đơn giản để giảm thiểu yếu tố nguy cơ của sự tái hẹp mạch vành thông qua sự giảm lượng mỡ tích tụ, giảm mỡ máu và đốt cháy năng lượng dư thừa.

- Mang đầy đủ các loại thuốc điều trị: Cho dù bạn ở nhà, đi chợ hay đi du lịch thì nên tập cho mình thói quen mang theo thuốc điều trị bên mình. Việc này sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích: không bị quên thời gian uống thuốc, không bỏ sót thuốc điều trị, và đề phòng trong tình huống khẩn cấp.

Người bệnh mạch vành dùng đầy đủ thuốc điều trị là cách để tránh tái hẹp

Người bệnh mạch vành dùng đầy đủ thuốc điều trị là cách để tránh tái hẹp

- Bỏ hút thuốc lá: Nếu bạn hoặc người trong gia đình đang hút thuốc lá, hãy bỏ ngay từ lúc này. Bởi các chất độc hại trong thuốc lá có thể tham gia kích thích sự tái hẹp xảy ra nhanh hơn, và kèm theo đó là nguy cơ của bệnh tim mạch khác.

- Tập thể dục thường xuyên: Rất nhiều người cho rằng nên nghỉ ngơi tại chỗ sau phẫu thuật, đây là một quan niêm sai lầm. Bởi chỉ luyện tập bằng các môn thể thao vừa sức sẽ giúp trái tim khỏe hơn mỗi ngày, giảm cholesterol xấu, tăng chlesterol tốt, giúp hồi phục sau đặt stent nhanh hơn, ngăn chặn tình trạng tái hẹp. Chính vì thế, bạn chỉ cần dành ra mỗi ngày 30-60 phút, ít nhất 5 ngày/tuần để giảm đi nỗi lo tái tắc hẹp mạch vành.

- Không quên khám định kỳ: Đây là cách tốt nhất để theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn cũng như phát hiện sớm dấu hiệu của sự tắc nghẽn trở lại của động mạch.

Mặc dù hiện nay đặt stent là phương pháp tối ưu cho người bệnh tắc nghẽn mạch vành do mảng xơ vữa nhưng bạn đừng quá kỳ vọng vào hiệu quả tuyệt đối của phương pháp này bởi vẫn tồn tại nguy cơ tái tắc hẹp mạch vành. Chính vì vậy, sau khi thực hiện thủ thuật nong vành hoặc đặt stent, bạn cần phải tạo ngay cho mình lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học, luyện tập hợp lý để tăng cao hiệu quả điều trị của phương pháp này và hạn chế tối thiểu yếu điểm của nó.

DS Đông Tây

Trích nguồn:
https://heartdisease.about.com
https://www.uptodate.com
https://my.clevelandclinic.org

Bình luận