Suy tim là tình trạng cơ tim ngày càng yếu đi và mất dần khả năng bơm máu tới các cơ quan.  Suy tim có thể gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng chủ yếu nó là đích đến cuối cùng của các bệnh tim mạch. Hiểu rõ về các nguyên nhân gây suy tim  có thể giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Các nguyên nhân phổ biến gây suy tim bao gồm:

- Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi máu tại động mạch vành bị chặn lại đột ngột, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tim.

Bệnh động mạch vành: các động mạch vành bị thu hẹp do sự tích tụ cholesterol ở thành mạch, làm giảm lượng máu đến tim.

Huyết áp cao: áp lực máu quá cao khiến tim phải bơm mạnh hơn so với bình thường để giữ cho máu lưu thông.

Bệnh hẹp hở van tim: nếu các van tim hoạt động không đúng ở mỗi nhịp đập, thì bắt buộc tim phải co bóp nhiều hơn để đảm bảo cho máu di chuyển đúng hướng.

Bệnh cơ tim hoặc viêm tim: (thường do virus gây ra) làm thay đổi cấu trúc của trái tim, có thể khiến trái tim trở nên dày lên, cứng hơn hoặc giãn ra.

Tim bẩm sinh: cấu trúc tim bị khiếm khuyết làm thay đổi lưu lượng máu khi tim co bóp dẫn đến không cung cấp đủ máu cho cơ thể.

Phổi tắc ngẽn: gây khó khăn khi hít thở, do đó, sẽ có ít oxy trong máu và tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy bù lại cho cơ thể

Nguyen-nhan-chu-yeu-gay-suy-tim-la-do-cac-benh-ve-tim-mach
Nguyên nhân chủ yếu gây suy tim là do các bệnh về tim mạch

Tất cả những bệnh lý trên đều khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đảm bảo  đáp ứng đủ cho nhu cầu cần thiết  của cơ thể. Theo thời gian trái tim sẽ dẫn suy yếu và dẫn đến hệ quả cuối cùng là suy tim.

Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn nhưng cũng có thể gây suy tim vì khiến tim phải tăng cường hoạt động:

Nhiễm trùng: nhiễm trùng nặng do sự tấn công của vi khuẩn hay virut, có thể làm tổn hại tới cơ tim.

Chức năng thận kém:  Chức năng thận suy yếu làm tăng tiết Renin (một enzyme giúp kiểm soát huyết áp), gây tăng huyết áp, từ đó làm tăng gánh nặng cho tim.

Thiếu máu: khiến tim phải làm việc với tốc độ nhanh hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.

Nhịp tim bất thường: nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh có thể gây rối loạn việc bơm máu của tim.

Bệnh tuyến giáp:  Các hormone do tuyến giáp tiết ra có tác dụng làm tăng nhịp tim, vì vậy khi tuyến giáp hoạt động mạnh hơn (trong cường giáp) hay yếu hơn (trong suy giáp) sẽ khiến cho nhịp tim đập quá nhanh hay quá chậm, lâu dài có thể dẫn đến suy tim

Bệnh tiểu đường: những người bị tiểu đường thường có xu hướng thừa cân, cao huyết áp, mỡ máu cao làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

Chất kích thích: sử dụng quá nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy… có thể gây hại cho tim, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.

Phát hiện chính xác nguyên nhân gây suy tim sẽ giúp bác sĩ tìm được phác đồ điều trị phù hợp, nhằm làm chậm lại tiến trình suy tim và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

 
Theo nguồn: www.heartfailurematters.org

Bình luận