Thiếu máu cơ tim – dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Đau thắt ngực - dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim
Dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim là triệu chứng đau thắt ngực. Cảm giác đau ngực thường chỉ xuất hiện khi bạn gắng sức hoặc làm việc nặng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bạn có thể cảm thấy đau ngực ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Thiếu máu cơ tim gây ra bởi tắc hẹp động mạch vành
Cơn đau thắt ngực điển hình của thiếu máu cơ tim là cảm giác đau ở vùng ngực trái trước tim, sau đó đau lan dần tới cổ, vai trái và cánh tay trái. Ngoài ra, bạn có thể thấy kèm theo cảm giác lo âu, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, nôn, buồn nôn và choáng váng…
Triệu chứng đau có thể xuất hiện vài tuần, vài tháng một lần, thậm chí là vài lần trong một ngày nếu nặng hơn. Cơn đau thường chỉ diễn ra trong khoảng vài giây đến vài phút và thường không quá 5 phút. Trường hợp đau kéo dài hơn 15 - 20 phút thì rất có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp, khi đó bạn cần sớm được đưa đi cấp cứu để có hướng xử trí kịp thời.
Các cơn đau thắt ngực trong thiếu máu cơ tim sẽ thường giảm đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch vành.
Cũng có nhiều trường hợp thiếu máu cơ tim không xuất hiện triệu chứng gì còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Trong những trường hợp này, các biểu hiện của thiếu máu cơ tim chỉ được nhận thấy ở trên điện tâm đồ.
Chẩn đoán thiếu máu cơ tim như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp như đo điện tâm đồ (thường là đo khi gắng sức, sau khi đạp xe đạp hoặc đo lúc nghỉ ngơi và ghi trong suốt 24h); siêu âm tim; hoặc chụp động mạch vành tim có cản quang.
Trong đó, chụp động mạch vành tim có bơm thuốc cản quang là phương pháp đáng tin cậy nhất để giúp chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, đây là phương pháp phức tạp và rất tốn kém. Vì vậy, ở nước ta hiện nay nó chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao như cơn đau thắt ngực không đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường hoặc cơn đau thắt ngực lúc nghỉ ngơi.
Điều trị thiếu máu cơ tim bằng thuốc và lối sống lành mạnh
Ngoài việc sử dụng các thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, bạn còn cần phải duy trì một lối sống lành mạnh để giúp cải thiện các triệu chứng của thiếu máu cơ tim và phòng ngừa những biến chứng của bệnh.
Duy trì lối sống lành mạnh:
- Nghỉ ngơi nhiều, tránh lao động nặng, quá sức. Đồng thời hạn chế tối đa stress, căng thẳng và xúc động.
- Không hút thuốc lá và tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, caffein...
Lối sống lành mạnh giúp phòng chống bệnh thiếu máu cơ tim
- Giảm muối, đường và các loại thực phẩm giàu cholesterol, tăng cường rau xanh và hoa quả.
- Kiểm soát tốt bệnh rối loạn mỡ máu, chỉ số đường huyết và huyết áp.
- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày với những bộ môn phù hợp với lứa tuổi và thể lực như bơi lội, đi bộ…
Thuốc điều trị thiếu máu cơ tim:
Các nhóm thuốc chính thường được sử dụng là nhóm Nitrat và Betaloc, có tác dụng giãn mạch, giảm nhu cầu oxy của cơ tim và giảm đau thắt ngực. Bạn cần lưu ý tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về thời gian và liều lượng sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc, vì có thể làm các triệu chứng của thiếu máu cơ tim xuất hiện nặng hơn, thậm chí là gây đột tử. Nếu cần thiết phải ngưng thuốc thì phải giảm liều từ từ, sau đó mới được ngưng hẳn.
Thiếu máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm, vì vậy nếu bạn thấy xuất hiện dấu hiệu nào như biểu hiện đau thắt ngực, thì nên sớm đến chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và điều trị. Không nên tự đoán ý bệnh và mua thuốc sử dụng tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ.
Bình luận